50 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng hào hùng của chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" vẫn còn vang vọng, là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết cách đây tròn nửa thế kỷ, với ý chí quyết chiến, quyết thắng quân Mỹ xâm lược, trong 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến 29-12-1972), quân và dân miền Bắc đã tiến hành Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng.

Quyết đánh và quyết thắng

Quân dân ta đã đánh bại cuộc tập kích của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B52, làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" hào hùng. Chiến thắng này đã buộc chính quyền Mỹ tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký Hiệp định Paris, rút hết quân viễn chinh về nước, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Nhắc đến "Điện Biên Phủ trên không", không thể không nhắc tới Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân, phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi B52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội.

 Bản hùng ca "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 第1张

Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B52 trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh: TTXVN

Trung tướng Phạm Tuân kể rằng trong cuộc đời binh nghiệp mấy chục năm, đến giờ ông vẫn không thể nào quên giây phút lái chiếc tiêm kích MiG-21 bắn hạ "pháo đài bay" B52 ngay trên bầu trời Hà Nội. Giây phút ấy khiến ông hạnh phúc và sung sướng đến tột cùng.

Lúc 22 giờ 16 phút ngày 27-12-1972, chiếc MiG-21 của phi công Phạm Tuân cất cánh từ sân bay dã chiến Yên Bái, theo chiến thuật "đi thấp kéo cao" nhằm tránh radar của máy bay địch. Sau khi bộ phận dẫn đường mặt đất thông báo chiếc MiG-21 còn cách phi đội địch 8-9 km, ông tăng tốc để bay vọt qua 2 tốp F-4 hộ tống của chúng. Sau đó, ông cho máy bay của mình tiếp cận 2 chiếc B52. Khi còn cách khoảng 4 km, dẫn đường mặt đất ra lệnh bắn nhưng ông chờ thêm mấy giây để tiếp cận gần hơn rồi bấm nút phóng 2 quả tên lửa tầm nhiệt K-13 vào chiếc B52 ngay phía trước.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, lúc ấy thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng không quốc gia và người dân các tỉnh lân cận, xây dựng "lưới lửa" phòng không nhân dân của 3 thứ quân với mọi thứ vũ khí từ thông thường đến hiện đại, phát động toàn dân đánh máy bay địch, bắt giặc lái và phục vụ chiến đấu. Trong đó, Hà Nội đã huy động khoảng 54.000 chiến sĩ với trên 500 súng máy, trung liên, đại liên bố trí ở 295 trận địa tại cả nội và ngoại thành. Một "vòng cung lửa" đã giăng khép kín cả về tầm cao lẫn chiều rộng, chúng ta làm chủ thế trận phòng không đánh địch trên bầu trời Hà Nội.

Đêm 18-12-1972, chiến dịch tập kích đường không của Mỹ với hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B52 cùng hàng ngàn máy bay chiến thuật bảo vệ và nhiều tàu sân bay, tàu chiến tối tân, hiện đại phối hợp tác chiến được địch sử dụng bắt đầu đánh phá vào Hà Nội. Tuy nhiên, quân và dân thủ đô đã hoàn toàn chủ động đối phó. Ý chí của quân và dân ta đã vượt qua sức mạnh bom đạn của không lực Mỹ. Cả Hà Nội bất chấp hy sinh, mất mát, bừng lên khí thế sục sôi, quyết đánh và quyết thắng cuộc tập kích chiến lược của Mỹ.

Ngay trận đầu ra quân, đêm 18-12-1972, bộ đội ta đã bắn rơi tại chỗ "siêu pháo đài bay" B52, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong các trận đánh sau đó.

Khí phách anh hùng

Thượng tướng Lê Huy Vịnh cho biết năm 1972, để cứu vãn nguy cơ phá sản hoàn toàn của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", đồng thời tạo áp lực buộc ta phải ký kết Hiệp định Paris với những điều kiện có lợi cho Mỹ, Tổng thống Richard Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào cuối tháng 12 mang mật danh Linebacker II.

Chính quyền Mỹ đã huy động gần 50% máy bay chiến lược B52, cùng hàng ngàn lượt máy bay chiến thuật tập trung đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, thị xã, mục tiêu quan trọng ở miền Bắc. Quân Mỹ cũng tiếp tục thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng.

Trước tình thế đó, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, các lực lượng tham gia chiến dịch, nòng cốt là bộ đội phòng không - không quân, đã có sự chuẩn bị chủ động, chu đáo, nỗ lực cao nhất để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố lớn. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo, quân dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của địch, đập tan uy thế của không lực Mỹ.

Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội - Hải Phòng năm 1972 là chiến dịch đầu tiên trên thế giới bắn rơi nhiều máy bay B52, giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử; đánh bại âm mưu giành thế mạnh trên bàn đàm phán, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" mang ý nghĩa chiến lược, tạo bước ngoặt quyết định cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến thắng này mang dấu ấn thời đại sâu sắc, thể hiện sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam và được nhân dân tiến bộ trên thế giới cổ vũ, khâm phục.

Theo Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12-1972, cả thế giới phải kinh ngạc, thán phục khi chứng kiến uy danh "Pháo đài bay B52" - biểu tượng sức mạnh của không lực Mỹ - bị đập tan trên bầu trời Hà Nội.

Chiến công trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, khí phách anh hùng; là bản hùng ca được viết bằng ý chí và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, quyết chiến đấu vì sự thống nhất non sông, vì độc lập, tự do cho dân tộc. Thắng lợi này minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và dự báo thiên tài của Bác Hồ: "Đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".

Với thành tích đặc biệt xuất sắc khi bắn hạ “pháo đài bay” B52 của Mỹ, sáng 28-12-1972, phi công Phạm Tuân đã được Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện khen và chúc mừng. Ngày 3-9-1973, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 26 tuổi; mang quân hàm thượng úy - trung đội trưởng của Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371.

Kỳ tới: Những vùng đất thay da đổi thịt