"Không bao giờ từ bỏ, dù chỉ còn 1% hy vọng" là kim chỉ nam dẫn dắt TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung (Tổng Giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc) trên chặng đường lắm thách thức mà đầy dấu son đáng nể phục
"Thà đánh đổi một lần để sống, còn hơn trốn chạy suốt đời chỉ để tồn tại" - câu nói của bệnh nhân Lê Văn Mến (quê An Giang) khiến bác sĩ Tú Dung xúc động...
Bác sĩ Tú Dung ra mắt sách
Thay đổi số phận
Suốt 15 năm dài, chàng trai bị gọi là "mặt quỷ" chỉ lầm lũi sống. Sống làm sao với khối mặt dị dạng, sống làm sao khi ăn uống là cực hình, nước uống cũng không thể cho vào khuôn miệng chảy xệ? Sống làm sao khi chỉ ngủ ngồi vì nằm xuống là không thở được? Mọi khả năng phẫu thuật và điều trị hội chứng MRS quái ác đều bế tắc, đẩy một thanh niên tuổi đôi mươi rơi vào chuỗi ngày tăm tối. Thay vì oán trách sự đời bất công, Mến cố lao động bằng việc phun thuốc thuê ngoài đồng, không dám tiếp xúc ai. Niềm hy vọng về diện mạo bình thường, được trả lại chức năng của các bộ phận trên mặt... ngày càng mơ hồ, cho đến khi Mến gặp bác sĩ Tú Dung.
Bệnh nhân Lê Văn Mến (An Giang) trước và sau khi được TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung cùng ê-kíp phẫu thuật tái tạo gương mặt.(Ảnh do Bệnh viện JW Hàn Quốc cung cấp)
Hơn 20 năm khoác blouse trắng, bác sĩ Tú Dung đã gặp nhiều căn bệnh khó và hiếm nhưng trường hợp của Mến thì là lần đầu tiên. Từ ngày tiếp nhận ca bệnh, ông nhiều đêm mất ngủ để tìm lời giải cho bài toán phức tạp mà nhiều nơi đã từ chối. Hơn 4 tháng, với sự phối hợp đa chuyên khoa, hội chẩn đa quốc gia, làm đa xét nghiệm để tìm ra căn nguyên bệnh của Mến là hành trình rất chông gai song cũng là biểu tượng của tình người và sự sẻ chia. Mến trải qua 15 tháng điều trị, 4 ca đại phẫu kéo dài 9-10 giờ, trong đó có ca được mổ ở tư thế ngồi, được săn sóc tận tình tại bệnh viện. Xuân Tân Sửu 2021, Mến được đi chợ Tết, đi lễ chùa... như một phép mầu: phép mầu được kết tinh từ bao trí lực, tâm lực của bác sĩ Tú Dung và các tiền bối, đồng môn, cộng sự trong và ngoài nước. Giờ đây, Mến đã có công việc ổn định ở công ty bao bì. Lòng anh ngập tràn sự biết ơn: "Bác sĩ Tú Dung không chỉ phẫu thuật tái tạo gương mặt mà đã giúp tôi tái sinh, tìm lại cuộc sống đích thực".
Kỳ tích ấy tạo "cơn bão" dư luận, thu hút tình cảm, sự quan tâm của công chúng. Đáng tự hào hơn, công trình nghiên cứu căn bệnh của Lê Văn Mến được trao Cúp Vàng Thành tựu y khoa Việt Nam 2020, bằng khen vinh danh từ Bộ Y tế và giải thưởng danh giá: Á quân do ACOI - Hiệp hội Nội khoa Mỹ trao tặng. Đó là nguồn động lực quý giá không chỉ cho bác sĩ Tú Dung và tập thể Bệnh viện JW Hàn Quốc mà hơn hết là niềm vui chung của ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ non trẻ của Việt Nam; cổ vũ và đưa tạo hình thẩm mỹ trở thành phẫu thuật thẩm mỹ điều trị, về đúng với giá trị nhân văn, với giá trị khoa học.
Cuộc đời anh Trần Khánh Du (quê Bến Tre) đã mở sang chương mới tốt đẹp hơn sau ca phẫu thuật cắt xương hàm kéo dài 5 giờ để khắc phục khuyết điểm hàm móm nặng; hai khớp cắn cách nhau đến 2,2 cm. Chàng trai từng khổ sở với gương mặt bất cân xứng, giờ đã tràn đầy sức sống. Ngoài trường hợp của anh Mến và anh Du còn có hàng trăm người khác được bác sĩ Tú Dung "vẽ lại" phần đời mới rộng mở hạnh phúc.
Anh Ca Trần Khánh Du “thay tướng, đổi vận” sau ca phẫu thuật thẩm mỹ
Không chỉ miệt mài viết nên tương lai tươi sáng cho những số phận bị tạo hóa thử thách, bác sĩ Tú Dung với chuyên môn cao và trái tim quả cảm nhiều lần lao vào cuộc đua "ngàn cân treo sợi tóc" giành lại từng sinh mạng. Điển hình như ca mổ khẩn cấp, cứu bệnh nhân Lê Quang Khanh bị mắc bệnh u nguyên bào men, khi tiên lượng rất xấu. "Không mổ chắc chắn là sẽ chết, mà mổ khả năng chết 50-50". Bác sĩ cùng ê-kíp dốc hết sức, tất cả vì bệnh nhân. Và họ đã chiến thắng tử thần!
Giàu khát vọng và lòng nhân ái
Một trong những đóng góp lớn lao của bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung còn là dần xóa bỏ những định kiến tiêu cực về tạo hình thẩm mỹ, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về lĩnh vực này. Giá trị ông muốn nhấn mạnh là thẩm mỹ điều trị: điều trị cả ngoại hình lẫn tâm hồn cho những trường hợp bị khiếm khuyết. PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá: "Phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ là ngành làm đẹp cho người dân, mà đó còn là ngành giúp cho những người khiếm khuyết ngoại hình được hình dáng bình thường, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Một bệnh viện tư nhân đã dùng chuyên môn của mình cứu giúp cho những người khiếm khuyết. Đối với trường hợp của bệnh nhân Lê Văn Mến là một câu chuyện cổ tích. Những thành tựu của Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc đã nhận được sự đánh giá cao từ xã hội".
Dẫu vậy, con đường đi đến thành công, khẳng định được tên tuổi của bác sĩ Tú Dung không phải chỉ trải toàn hoa hồng. Ông sinh ra tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên với 8 người con. Tuổi thơ triền miên khó nhọc bởi sự đói kém, thiên tai khắc nghiệt song Tú Dung rất chăm học, hướng đến mục tiêu mà cha ông luôn ủng hộ: Làm bác sĩ giúp đời, giúp người. Cậu học trò tỉnh lẻ trượt trường y 2 lần liên tiếp nhưng không nản chí. Cuối cùng, ông chính thức trúng tuyển ngôi trường mơ ước khi đang học năm 3 ở Đại học Kinh tế.
Nỗi lo tài chính đè nặng. Tú Dung muốn đỡ đần gia đình nên đi dạy thêm để có tiền trang trải học phí, tiền nhà trọ, tiền ăn... của mình và tiếp sức cho các em. Áp lực bài vở ở trường y là "ác mộng" của sinh viên. Sáu năm trời ròng rã, quay cuồng giữa giảng đường, bệnh viện để thực tập và các lớp dạy thêm mà Tú Dung vẫn chu toàn được hết.
Một điểm sáng nữa chính là tư duy tiến bộ, ý thức đầu tư học ngoại ngữ từ rất sớm của bác sĩ Tú Dung. Đây cũng chính là điều kiện quan trọng giúp ông tiếp cận được nhiều cơ hội quý, mở cánh cửa phát triển năng lực vượt trội.
Với TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, cái nghèo thật sự là vốn liếng, là động lực để quyết liệt vươn lên. Ông vững vàng, tự tin theo đuổi đam mê, kiên trì và sống tử tế, với suy nghĩ chỉ khi vượt qua nỗi sợ: Sợ nghèo, sợ thất bại, sợ lầm đường lạc lối thì mới đủ dũng khí phấn đấu để trở thành người giàu có - tự do - hạnh phúc.
Trí tuệ, bản lĩnh của nam bác sĩ 7X được ghi dấu qua hàng loạt thành tích y khoa trong tạo hình thẩm mỹ và tái tạo mặt biến dạng với xuất phát điểm là bác sĩ ngoại khoa. Rời bỏ vị trí bác sĩ phẫu thuật ở một bệnh viện lớn với nhiều triển vọng thăng tiến để bước ra ngoài và khoác lên người chiếc áo của một bác sĩ thẩm mỹ - một chuyên ngành non trẻ và lắm thị phi - bác sĩ Tú Dung đối diện không ít sóng gió nhưng vẫn không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu để theo đuổi hoài bão.
Với quan điểm: "Thiên chức của bác sĩ không chỉ là điều trị, mà còn là thay đổi số phận một con người", chương trình thiện nguyện "Nhan sắc mới - Khởi đầu mới" do bác sĩ Tú Dung sáng lập đã đem đến sự hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; khiếm khuyết ngoại hình nghiêm trọng; có nghị lực mạnh mẽ. Những nhân vật bước ra từ chương trình không chỉ có phần đời mới trọn vẹn hơn, mà còn thắp lên hy vọng được sống và vượt lên nghịch cảnh cho bao số phận kém may mắn khác.
TS Nguyễn Phan Tú Dung cũng là bác sĩ Việt Nam duy nhất tham gia biên soạn "Operative Techniques in Facial Aesthetic Surgery" - cuốn sách chuyên về tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ, cùng 85 giáo sư, bác sĩ đầu ngành các trường đại học nổi tiếng trên thế giới như: New York, Harvard, Stanford, Johns Hopkins, California... Sách được xuất bản tại Mỹ. Năm 2022, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
In sách gây Quỹ "Nuôi em đến trường"
Ngày 10-8, cuốn sách "Nghèo là vốn liếng" của TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung (ảnh), do NXH Hồng Đức ấn hành, chính thức ra mắt. Cuốn sách gần 300 trang ghi lại hành trình ấn tượng, xứng đáng là tấm gương cho nhiều người, nhất là giới trẻ, có thể học hỏi và được truyền thêm cảm hứng sống tích cực. Những kinh nghiệm, trải nghiệm, kỷ niệm, nhân duyên, sự lựa chọn... được chuyển tải trên trang sách một cách chân thật, sinh động, đong đầy cảm xúc. Thông điệp về sức mạnh của ý chí, nghị lực, về tính nhẫn nại và bản lĩnh... được lồng ghép nhẹ nhàng, không chút giáo điều mà rất thấm thía. Tiền bán sách được dành để gây Quỹ "Nuôi em đến trường".
Đăng thảo luận