Biển báo khu đông dân cư liên tục xuất hiện trên tuyến đường từ Thị xã Việt Yên đi Thị trấn Cao Thượng
Ngày 26/8, trong bài “Biển báo giao thông nhiễu loạn: Lái xe chật vật, bất an”, báo Tiền Phong nêu thực trạng: Đoạn đường tỉnh lộ từ thị xã Việt Yên (Bắc Giang) đi thị trấn Cao Thượng (huyện Tân Yên, Bắc Giang) dài chỉ 13km nhưng liên tục xuất hiện biển báo khu đông dân cư. Tài xế vừa qua khỏi khu đông dân cư (được phép chạy tối đa 50 km/h với đường không có dải phân cách cứng ở giữa) chỉ vài trăm mét lại gặp ngay biển báo khu đông dân cư khác. Vì thế, lái xe chỉ tăng tốc lên được 80 km/h (đối với đường bộ không có dải phân cách giữa ngoài khu dân cư) được một hai phút lại phải giảm tốc độ đột ngột.
Sau khi bài đăng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bắc Giang có phản hồi, lý giải về việc báo Tiền Phong nêu. Theo ông Tùng, việc cắm biển báo này dày đặc như vậy đã gây ức chế cho người tham gia giao thông. Bản thân ông khi tham gia giao thông trên cung đường này cũng "cảm thấy khó chịu".
Tuy nhiên, ông Tùng cho hay, việc cắm biển khu đông dân cư là thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển báo đường bộ (QCVN41:2019/BGTVT). Theo quy chuẩn này, biển báo khu đông dân cư được áp dụng khi đường qua các đô thị. Ngoài ra, biển báo này cũng được áp dụng đối với đoạn đường nằm ngoài đô thị nhưng qua khu vực có dân cư đông đúc. Theo đó, những đoạn có đông dân cư kéo dài 500m trở lên, khoảng cách từ nhà tới mép đường dưới 6 m và mật độ các lối ra vào nhà trung bình dưới 10m sẽ được lắp biển này.
Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt khác như tại các nút giao cần phải hạn chế tốc độ mà xen kẹt ngắn với khu dân cư, cơ quan chức năng cũng có thể kéo dài phạm vi và cắm biển khu đông dân cư.
“Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển báo đường bộ, các cơ quan chức năng phải chấp hành, không thể làm trái. Nếu không thực hiện việc cắm biển báo theo đúng quy chuẩn mà xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, chúng tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Tùng nói. Ông Tùng cho hay, hiện nay, Sở GTVT Bắc Giang đang đề xuất với Bộ GTVT sửa đổi QCVN41:2019/BGTVT để tháo gỡ tình trạng này.
Chỉ hơn một phút di chuyển khỏi khu đông dân cư, lái xe sẽ gặp một biển báo tương tự
Chuyên gia giao thông Vũ Ngọc Lăng cho rằng, việc cắm biển khu đông dân cư dày đặc là thực trạng đang diễn ra nhiều nơi. "Đặc trưng ở Việt Nam là người dân bám mặt đường làm nhà sinh sống, lập chợ... dẫn đến các quốc lộ, tỉnh lộ cũ trở thành khu động dân cư, có nhiều đường giao nhau. Vì vậy, việc hạn chế cắm biển báo này là việc làm rất khó", ông Lăng nói.
Theo ông Lăng, trước đây, nhiều chuyên gia có đề xuất cắm biển báo hạn chế tốc độ thay vì biển báo khu đông dân cư nhưng việc này không thực hiện được, vì cắm biển hạn chế tốc độ, mỗi khi có đường giao cắt phải cắm thêm biển báo nhắc lại, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây ức chế cho người tham gia giao thông.
Theo ông Lăng, để xử lý triệt để, đối với các tuyến đường cũ cần đầu tư làm đường gom hai bên. Với đường mới, cần quy hoạch ngay đường gom, hoặc quy hoạch các khu dân cư mới không bám sát các tuyến đường hiện có.
“Hiện nay, tiềm lực kinh tế đất nước còn hạn chế, kinh phí đền bù lớn, việc đầu tư làm đường gom ở các khu dân cư cũ rất khó khăn. Còn các dự án đường giao thông mới cần thiết kế có đường gom ngăn cách khu dân cư với đường giao thông. Có như vậy mới hạn chế việc cắm biển khu đông dân cư”, ông Lăng nói.
Xem nhiềuBạn đọc
Cả trăm người đến hỗ trợ, 'giải cứu' chủ trang trại có 9.000 con gà chết ngạt
Bạn đọc
Cô gái trẻ bất ngờ khi CSGT liên hệ trao trả túi xách đánh rơi trên đường
Bạn đọc
Ấm lòng những 'chuyến xe 0 đồng Khánh Hòa' cho bệnh nhân nghèo
Bạn đọc
Kỳ lạ chuyện bán đất nghĩa trang trên giấy
Bạn đọc
Đăng thảo luận