(NLĐO) – Toàn bộ số tiền thu được trong chương trình “Trái tim múa 6 -Tìm lại ước mơ” tổ chức tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐHQG TP HCM) sẽ dùng để gây quỹ cho trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ.
Đây là chương trình do Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM, CLB Trái tim Múa cùng hai đơn vị hỗ trợ trẻ tự kỷ phối hợp tổ chức trong 2 ngày 17 và 18-8.
Gian hàng ẩm thực do trẻ tự kỷ làm bếp trưởng
"Trái tim múa 6 – Tìm lại ước mơ" là chương trình dành cho những gia đình có con bị rối loạn phổ tự kỷ trên khắp cả nước. Các hoạt động của chương trình bao gồm hội thảo về chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người chăm sóc trẻ tự kỷ; hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ; tư vấn hoạt động trị liệu trực tiếp cho phụ huynh; sân chơi vận động, sân khấu nhỏ cho trẻ em và các gian hàng tham quan mua sắm gây quỹ.
Đưa con trai từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến TP HCM, chị Nguyễn Ngọc Mi Mi tâm sự đây là lần đầu tiên hai mẹ con tham dự chương trình dành cho những trẻ bị tự kỷ.
Chị Mi cho biết con trai có vấn đề về tâm lý từ năm 2 tuổi nhưng đến 3 tuổi mới bắt đầu can thiệp. Suốt 4 năm qua, hai mẹ con nỗ lực điều trị tại bệnh viện và can thiệp tích cực tại nhà. Đến nay, con đã có thể bước vào lớp 1 và học cùng các bạn đồng trang lứa.
"Tôi ấn tượng nhất là buổi hội thảo với sự chia sẻ gần gũi của các chuyên gia tâm lý. Được lắng nghe tâm sự và chứng kiến những hoàn cảnh đặc biệt, tôi cảm thấy mình không cô đơn trên hành trình này. Bản thân tôi cũng được tiếp thêm nghị lực và tôi tin rằng con trai sẽ trưởng thành, khỏe mạnh và tự lập trong tương lai" – chị Mi bộc bạch.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, thành viên Hiệp hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, cho biết phụ huynh thường có tâm lý e ngại khi đưa con bị chứng rối loạn phổ tự kỷ ra ngoài cộng đồng nên thường tự can thiệp cho con tại nhà. Thực tế cho thấy can thiệp hiệu quả là can thiệp có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các chuyên gia (bác sĩ, chuyên gia tâm lý, chuyên gia âm ngữ,…)
"Theo các nghiên cứu, thời gian vàng can thiệp cho trẻ là 3 năm đầu tiên. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng được phát hiện sớm. Theo tôi, thời gian vàng chính là thời điểm gia đình nhận thấy dấu hiệu bất thường của con và tiến hành can thiệp tích cực" – chuyên gia tâm lý Diệu Anh nói.
BS Trần Thị Phượng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị bữa ăn phù hợp cho trẻ tự kỷ
Bên cạnh việc chăm sóc cho trẻ bị tự kỷ, chuyên gia tâm lý Diệu Anh cho rằng chăm sóc tâm lý cho người chăm sóc trẻ tự kỷ cũng rất quan trọng. Không ít trường hợp phụ huynh vì suy nghĩ quá nhiều hoặc không chấp nhận được tình trạng sức khỏe của con mà rơi vào trầm cảm, bế tắc.
Đăng thảo luận