Hẻm “bát quái” giữa “thành phố ma”
Bắt đầu bằng ngôi chợ tự phát, con hẻm 334 đường Chu Văn An (phường 12, quận Bình Thạnh, TPHCM) càng vào sâu càng chia thành nhiều đường nhánh to nhỏ khác nhau.
Sau đoạn đường chính dài khoảng 200m, hẻm 334 bắt đầu “phân nhánh” với độ rộng chỉ khoảng 80cm. Đi khoảng 10 - 20m, các nhánh này đột ngột xuất hiện những ngã ba, ngã tư, khúc ngoặt vuông góc.
Đôi khi các hẻm nhánh lại chẻ đôi, chẻ ba thành những đường bé tí, tối tăm theo hình ziczac. Càng vào sâu, hẻm nhánh càng nhỏ, có đoạn thắt lại chỉ rộng khoảng 50cm, chỉ đủ cho một người đi.
Sau đoạn đường khoảng 200m, hẻm 334 bắt đầu phân nhánh. Ảnh: Hà Nguyễn.Ngồi kèm đứa cháu học bài trong nhà, ông Hoàng (64 tuổi) vừa chỉ đường cho PV vừa nói: “Người lạ vào hẻm này lạc tới, lạc lui là chuyện bình thường. Trong hẻm có nhiều đường nhánh chằng chịt, lúc thì rẽ trái khi lại quặt phải.
Có khi tưởng hẻm cụt nhưng đi đụng tường nhà lại có hẻm khác ở 2 bên. Cũng có lúc tưởng hẻm thông nhưng đi thẳng lại cụt hoặc đâm vào cổng nhà người khác,…
Nếu không phải là người dân trong hẻm thì khó tìm thấy lối ra. Bởi vậy, hẻm này mới có biệt danh là hẻm 'bát quái'”.
Cũng theo ông Hoàng, hẻm “bát quái” hình thành một cách tự nhiên theo chân người lao động nghèo đến khu vực này cất nhà từ nhiều chục năm trước. Trước đây, khu đất này vốn là nghĩa trang rộng lớn, chỉ có lác đác vài căn nhà.
Một thời, những ngôi mộ tại đây hầu hết được cải táng để làm dự án. Tuy nhiên, không hiểu vì sao dự án không được thực hiện. Thấy có đất trống, người lao động nghèo từ khắp nơi đổ xô đến dựng nhà tạm để ở.
Một đoạn hẻm nhỏ có đến 3 khúc ngoặt liên tiếp. Ảnh: Hà Nguyễn.Ông Hoàng kể: “Lúc tôi mới đến ở, khu vực này còn có một số ngôi mộ. Người ta vẫn đến cải táng nên xung quanh đất đá lởm chởm, hang hố khắp nơi.
Thời điểm đó, ai đến trước thì cất nhà ở trước. Ai đến sau thì kiếm chỗ xa trục đường chính hơn hoặc mua lại của người trước.
Vì xây cất một cách tự do không theo bất cứ trật tự, quy hoạch nào nên nơi đây sinh ra hệ thống hẻm chằng chịt, lộn xộn như bây giờ. Cũng vì nhà cửa được xây trên đất nghĩa địa nên nơi đây còn có tên gọi là 'thành phố ma'.
Năm 1999, Nhà nước cho người dân sinh sống trong hẻm kê khai nhà đất. Dù vậy, trong giấy tờ vẫn ghi khu này là đất công”.
“Đặc sản” của “thành phố ma” không chỉ có hệ thống hẻm chằng chịt như trận đồ bát quái. Nơi đây còn có những căn nhà diện tích siêu nhỏ với đủ mọi hình dạng.
Càng vào sâu, những hẻm nhánh bên trong "thành phố ma" càng nhỏ hẹp và tối tăm. Ảnh: Hà Nguyễn.Sống tối giản
Người dân nơi đây cho biết, trước kia nhà cửa khu vực này cũng có kích thước lớn. Tuy nhiên, nhiều hộ liên tục chia nhỏ để bán, hình thành những căn nhà liền kề có diện tích chỉ khoảng 6 - 10m2.
Để có thêm không gian sinh hoạt, người dân làm thêm gác lửng. Phần lan can của những căn gác này lấn ra hẻm, che khuất ánh mặt trời khiến đường đi vừa chật hẹp vừa tối tăm.
Trong khi đó ở trong nhà, người dân chọn cách sắm sửa vật dụng một cách tối giản. Nhiều gia đình không mua bàn, ghế, giường, tủ,...
Đồ gia dụng nếu có thể đều được chủ nhà treo lên tường, đặt trên kệ. Phòng khách trong nhà ban ngày là nơi ăn uống, tiếp khách,… Đến đêm, nơi đây trở thành chỗ ngủ, nơi để xe của cả gia đình.
Hẻm nhỏ, nhiều khúc ngoặt vuông góc nên cơ quan chức năng phải gắn bảng cảnh báo. Ảnh: Hà Nguyễn.Ngồi gia công sản phẩm vàng mã trong căn nhà có diện tích 7 x 2m2, bà Tống Thị Mộng Trinh (60 tuổi) cho biết, bà đến hẻm sinh sống đã 10 năm nay. Lúc đầu đến ở, bà cũng “lạc tới, lạc lui” và cảm thấy bức bí vì nhà quá chật.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, bà quen dần với cuộc sống trong hẻm và hài lòng với căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng của mình. Mỗi ngày, bà ngồi trước cửa làm việc và thường xuyên chỉ đường cho người lạ bị lạc trong hẻm, không tìm thấy lối ra.
Bà Nguyễn Lý Hồng (64 tuổi) đã sinh sống trong hẻm “bát quái” 33 năm. Đến bây giờ, bà vẫn nhớ kỷ niệm những năm đầu đến hẻm. Bà kể: “Lúc tôi đến mua nhà, nơi đây 'nhà người âm' nhiều hơn 'nhà người dương', cỏ dại mọc um tùm.
Trẻ em trong hẻm tận dụng các khúc ngoặt để chơi trốn tìm, mèo đuổi chuột,... Ảnh: Hà Nguyễn.Không gian xung quanh lúc nào cũng hoang lạnh nên tôi sợ lắm. Mặt trời lặn là tôi đóng cửa, đốt đèn dầu ở trong nhà, không dám ra khỏi cửa.
Dù sợ nhưng tôi cũng phải cắn răng ở vì không có tiền đến chỗ khác thuê trọ. Lúc ấy, chợ đầu hẻm cũng chỉ lác đác vài người đến bán vài cân thịt, vài bó rau…
Không ai ngờ sau này, càng ngày càng có nhiều người đến ở, nhà cửa cứ thế mọc lên san sát. Chợ đầu hẻm cũng vì thế sầm uất, đông đúc như ngày nay”.
Hẻm nhỏ, nhà chật, cuộc sống của người dân nơi đây cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Ngoài việc mất thời gian nhớ đường, cư dân hẻm “bát quái” cũng gặp trở ngại khi nhà có tiệc cưới hoặc đám tang.
Cũng như nhiều người dân ở các con hẻm nhỏ khác tại TPHCM, đa số cư dân hẻm “bát quái” tổ chức tiệc cưới tại nhà hàng.
Đối với đám tang, nếu đủ không gian để đặt áo quan, người dân chủ động làm lễ tại nhà. Khách đến viếng lần lượt vào thắp nhang rồi ra về.
Bà Hồng sinh sống ở hẻm "bát quái" 33 năm. Ảnh: Hà Nguyễn.Ngược lại, nếu nhà quá chật, không đủ chỗ đặt áo quan, gia chủ buộc phải mượn không gian tại các đình, chùa trong khu vực.
Hiện nay, người dân trong hẻm đa phần là dân lao động. Sâu trong hẻm “bát quái” vẫn còn nhiều hộ dân khó khăn. Tuy vậy, người dân nơi đây sống tích cực và đùm bọc, hòa nhã với nhau.
Bà Hồng tâm sự: “Vì hẻm nhỏ, nhà cửa san sát nên bà con hầu như ai cũng quen biết, thân thiết với nhau. Nhà nào có đám tiệc, những hộ xung quanh sẽ tự động dọn dẹp đồ đạc phía trước nhà để hàng xóm có không gian tổ chức.
Nếu rảnh, mọi người sang giúp gia chủ nấu nướng, chạy bàn,... Ở đây người dân mưu sinh đủ thứ nghề nhưng rất đoàn kết. Ai khó khăn, cả hẻm sẽ chung tay hỗ trợ, động viên”.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng khu phố 6, phường 12, quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết: “Khu vực hẻm 334 Chu Văn An trước đây là nghĩa trang. Sau này, người dân đến xây nhà hình thành những đường hẻm chi chít.
Đa số dân trong hẻm là người nhập cư và lao động phổ thông, làm việc tự do nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Hẻm còn nhiều hộ nghèo khó. Mỗi năm, chính quyền các cấp cùng người dân trong phường đều hỗ trợ, chăm lo cho các hộ này.
Vì khu vực có nhiều hẻm, hẻm có diện tích nhỏ, nhiều ngã ba, ngã tư, khúc ngoặt nên ý thức phòng cháy chữa cháy của người dân trong hẻm rất cao. Chính quyền cũng thành lập các chốt phòng cháy, chữa cháy ở đầu mỗi hẻm.
Ngoài ra, chúng tôi cũng dán các bảng hướng dẫn, cảnh báo đường hẻm cụt, hẻm nhỏ… để lưu lý người dân khi lưu thông.
Link bài gốc: https://vietnamnet.vn/hem-bat-quai-o-tphcm-khach-vat-va-tim-loi-ra-lien-tuc-gap-bien-canh-bao-2330018.html
Theo VietNamNet Xem nhiềuNhịp sống phương Nam
Trao quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về công tác cán bộ
Nhịp sống phương Nam
TPHCM 24/7: Sở Thông tin và Truyền thông nói về đơn tố cáo của Thanh Hằng, Minh Dự
Nhịp sống phương Nam
Nghịch lý thực phẩm bẩn từ thủ phủ chăn nuôi
Nhịp sống phương Nam
Điều động, bổ nhiệm nhân sự chủ chốt 5 tỉnh, thành phía Nam
Xã hội
Đăng thảo luận