Cách bộ phận tuyển dụng xử lý khéo léo không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp mà còn giúp giữ hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp

Ứng viên "bùng" phỏng vấn là tình huống thường gặp tại nhiều doanh nghiệp. Thay vì nóng giận, bộ phận tuyển dụng nhân sự có thể chọn cách xử lý nhẹ nhàng mà không làm mất điểm trong mắt ứng viên. Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với bà Phạm Hà, Giám đốc điều hành Công ty CP Nguồn lực Happy Talents (TP HCM), về vấn đề này.

* Phóng viên: Đâu là những lý do ứng viên "bùng" phỏng vấn, thưa bà?

- Bà PHẠM HÀ: Ứng viên "bùng" phỏng vấn hoặc tắt điện thoại có thể vì nhiều lý do khác nhau, bộ phận tuyển dụng nhân sự không biết chắc họ có gặp sự cố gì không. Vì vậy, đừng vội đổ lỗi hay trách móc.

 Làm gì khi ứng viên "bùng" phỏng vấn? 第1张

Bà PHẠM HÀ

Đối diện tình huống này, người tuyển dụng cần tiếp cận một cách nhẹ nhàng. Chẳng hạn như có thể gửi tin nhắn hoặc gửi email với nội dung: "Tôi hy vọng bạn không gặp phải vấn đề nghiêm trọng và mong bạn vẫn ổn. Nếu cần hẹn lại lịch, bạn sớm thông báo nhé!". Cách tiếp cận này thể hiện sự chuyên nghiệp, quan tâm và giữ cho mối quan hệ tuyển dụng không bị "đóng băng" hoàn toàn.

* Liệu ứng viên vẫn còn cơ hội?

- Nếu ứng viên có phản hồi tích cực sau tin nhắn hoặc email của bộ phận tuyển dụng, đừng ngần ngại cho họ một cơ hội khác. Có thể đề nghị lên lịch lại buổi phỏng vấn vào một thời điểm khác. Nếu ứng viên có thiện chí và sẵn sàng quay lại cũng là dấu hiệu tốt để tiếp tục cân nhắc. Bộ phận nhân sự có thể viết email hoặc nhắn tin cảm ơn ứng viên đã phản hồi, nếu họ vẫn quan tâm tới vị trí ứng tuyển thì nên tạo cơ hội để hai bên gặp nhau trong thời gian sớm nhất.

 Làm gì khi ứng viên "bùng" phỏng vấn? 第2张

Bộ phận tuyển dụng cần cho ứng viên cơ hội phỏng vấn lần 2 nếu lần đầu họ lỡ hẹn. Ảnh: NGÂN HÀ

Tôi cũng từng gặp nhiều trường hợp ứng viên tới giờ phỏng vấn mà không đến.Nhưng nửa tháng sau, ứng viên nhắn lại cho tôi biết là hôm đó chạy từ Tiền Giang lên TP HCM phỏng vấn thì bị tai nạn. Bạn ấy cũng có gửi một số hình ảnh để chứng minh. Ứng viên cũng mong muốn sau khi bình phục sẽ có cơ hội được phỏng vấn lại. Khoảng 3 tháng sau, bạn ấy thông báo đã hoàn toàn khỏe mạnh và sẵn sàng cho buổi phỏng vấn mới và tất nhiên tôi đã đồng ý.

* Nếu ứng viên không phản hồi thì xử lý như thế nào?

- Nếu ứng viên hoàn toàn "bốc hơi" sau nhiều lần liên lạc mà vẫn không phản hồi thì nên ngừng cố gắng liên lạc. Không phải ai cũng xứng đáng với sự nhiệt tình của người tuyển dụng. Đây là lúc bộ phận tuyển dụng cần chuyển hướng, tập trung vào những ứng viên khác. Nhưng trước khi dừng hẳn, cần gửi tin nhắn cuối cùng tới ứng viên: "Chúng tôi hiểu có lẽ bạn đã tìm thấy một cơ hội khác phù hợp hơn. Chúc bạn thành công với sự lựa chọn của mình!".