10 phim được giới thiệu tại liên hoan bao gồm 3 phim của Việt Nam: Sông đói (đạo diễn Nguyễn Thị Yến Trinh), Giữa dòng phù sa (Nguyễn Ngọc Thảo Ly) và Trại ghe bà Liên (Nguyễn Thu Hương), 1 phim nói về Việt Nam là Pa Va Heng - Bụi của cuộc sống hiện đại của đạo diễn Franziska von Stenglin (Đức).
Đạo diễn người Đức làm phim về phong tục của người Xê Đăng
Bụi của cuộc sống hiện đại kể về phong tục của người Xê Đăng: rút lui khỏi nhịp sống hiện đại, trở về với rừng. Mỗi năm một lần, Liêm lại cùng bạn bè bỏ lại sau lưng người thân, điện thoại thông minh, xe máy, công việc gia đình và đồng áng để vào rừng nguyên sinh săn bắn và hái lượm như tổ tiên từng làm. Đây là khoảng thời gian anh thoát khỏi những trách nhiệm hằng ngày, lấy lại năng lượng và sức khỏe, gột rửa bản thân khỏi bụi bặm của cuộc sống hiện đại.
Đạo diễn Franziska nhận định: “Bất cứ nền văn hóa nào cũng tồn tại nhu cầu trở về với thiên nhiên như một tiếng gọi thôi thúc trong bản thân mỗi người khi phải đối diện đô thị hóa”. Chị cũng cảm thấy sự thôi thúc phải làm bộ phim khi thăm thú bối cảnh bằng xe máy, thấy được lối sống của người dân bản địa. Chị cho biết, người giúp đỡ chị tiếp cận chủ đề là nhà văn Nguyên Ngọc mà chị đã gặp ở Hội An.
Ra mắt tại một LHP ở Pháp tháng 7/2021 (sau đó là Ý, Đức, Đan Mạch…), phim mất 4 năm để hoàn thành, chủ yếu do cần thời gian để huy động kinh phí cho khâu hậu kỳ. Đạo diễn chia sẻ sự xúc động khi phim được chiếu ngay ở nơi thực hiện với 200 khán giả người Xê Đăng tham dự. Quá trình làm phim cần rất nhiều thời gian cho việc thông dịch. Nhưng rồi tác giả nhận ra không hiểu những người xung quanh đang nói gì đôi khi cũng tốt. Vì khi không bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ, chị sẽ có được cái nhìn mới lạ về thực địa.
“Nhân vật chính đã mở trái tim, chia sẻ cuộc sống của anh với tôi. Làm phim là quá trình xây dựng niềm tin giữa mọi người. Khi đến ngôi làng đó, tôi chẳng biết ai cả, mọi thứ đều rất xa lạ. Nhưng rồi nhiều niềm vui đã xảy đến ngoài sức tưởng tượng của tôi. Chúng tôi dần hiểu nhau và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Người này hiểu người kia muốn làm điều gì. Đó là quá trình vô cùng hạnh phúc”, Franziska chia sẻ.
Tác giả Giữa dòng phù sa Nguyễn Ngọc Thảo Ly chọn đề tài du lịch bền vững tại Cồn Sơn trên sông Hậu. Chị nhận thấy, biến đổi khí hậu đang làm thay đổi bộ mặt của vùng đất khi nước dâng cao, diện tích trồng trọt bị thu hẹp. Chưa kể sự xâm lấn của các dự án resort cũng ảnh hưởng đến đời sống người dân khiến họ buộc phải đấu tranh vì sự phát triển bền vững của mảnh đất gắn bó với nhiều thế hệ. Bộ phim cũng bao gồm những khoảnh khắc dễ thương như một lớp học vỡ lòng tiếng Anh dành cho lứa tuổi trung niên. Động cơ đi học của họ chính là đón du khách…
Gỗ đàn hương đỏ mọc trong rừng Seshachalam ở Đông Nam Ấn Độ được xem là biểu tượng của sự giàu có, được sử dụng để làm nhạc cụ và đồ nội thất đắt đỏ. Phim Những kẻ hủy diệt hành tinh của đạo diễn Hugo Van Offel (Pháp) theo chân tên buôn lậu gỗ Sahul mang quốc tịch Ấn bị Interpol truy nã từ 2016. Với khối tài sản ước tính khoảng 120 triệu USD, sau khi thoát khỏi một vụ bắt giữ ở Ấn Độ, Sahul trốn sang Dubai, tiếp tục điều hành đế chế của mình và tận hưởng lối sống xa hoa.
Nạn nhân của biến đổi khí hậu bao gồm cả loài cá heo Burrunan ở Úc. Nghịch cảnh của loài cá heo (Olivia Andrus-Drennan, Mỹ) xuất phát từ nghiên cứu của những nhà khoa học Úc cho thấy các tổn thương được tìm thấy trên động vật có vú do biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu. Bộ phim truyền cảm hứng cho hành động tập thể để bảo vệ hành tinh, nhấn mạnh rằng những nỗ lực của địa phương có thể tạo ra sự khác biệt trong việc bảo tồn ngôi nhà chung của chúng ta.
Phim khai mạc Carbon Xanh: Sức mạnh thiên nhiên ẩn giấu (Nicolas Brown, Anh) đem lại một tia hy vọng từ những nguồn “carbon xanh” bao gồm đầm lầy nước mặn, các loại cỏ biển, rừng ngập mặn đang nổi lên thành những yếu tố quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu.
Xem nhiềuGiải trí
Thứ giết chết phim truyền hình
Văn hóa
'Ma quỷ' ngập tràn phố cổ Hà Nội
Văn hóa
Lý do liên hoan sân khấu kỷ niệm 70 Giải phóng Thủ đô tổ chức muộn cả tháng
Văn hóa
Cận cảnh ngôi mộ cổ nghi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương
Văn hóa
Đăng thảo luận