(NLĐO) - Tàu Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa chụp được thứ mà các nhà khoa học gọi là "nhện Sao Hỏa".

“Thay vì là những con nhện thực sự, "nhện Sao Hỏa" hình thành khi ánh nắng mùa xuân chiếu lên các lớp carbon dioxide lắng đọng trong những tháng mùa đông đen tối” - tờ Sci-News dẫn lời nhóm điều hành sứ mệnh Mars Express của ESA.

Các hình ảnh này được tàu vũ trụ của châu Âu ghi lại khi bay qua vùng gần cực Nam của Sao Hỏa, ngay "ngoại ô" của một khu vực có biệt danh là Thành phố Inca.

 Phát hiện sốc từ Sao Hỏa: "Nhện" khổng lồ cạnh Thành phố Inca 第1张

Thành phố Inca được bao vây bởi các vùng dày đặc điểm tối - Ảnh: ESA

"Nhện Sao Hỏa" hình thành nhờ một quá trình đặc biệt, khi ánh nắng khiến lớp băng carbon dioxide ở dưới cùng biến thành khí, sau đó tích tụ lại trong mùa đông.

Sau đó, khí bùng nổ tự do khi mùa xuân tràn về trên hành tinh đỏ, kéo vật chất tối màu hơn lên bề mặt khi nó di chuyển và làm vỡ các lớp băng dày tới một mét bên trên.

Khí đầy bụi đen này bắn lên, chúng cũng tỏa ra qua các vết nứt trên băng như một đài phun nước trước khi lắng xuống thành những điểm tối có chiều rộng 45 m đến 1 km.

Nếu soi rõ hơn bên dưới các điểm tối, chúng ta sẽ thấy được các họa tiết hình con nhện quỷ dị.