Người dân tỉnh Lâm Đồng mong chờ sớm có kết luận nguyên nhân bò sữa chết hàng loạt sau tiêm vắc-xin
Tính đến ngày 20-8, toàn tỉnh Lâm Đồng có đến hơn 6.400 con bò bị bệnh tiêu chảy sau tiêm vắc-xin viêm da nổi cục Navet-Lpvac của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Công ty Navetco). Trong số đó có đến 348 con bị chết. Nhiều nhất là huyện Đức Trọng với số lượng bò bị bệnh lên đến 522 con.
Người nuôi khóc ròng
Giữa tháng 7-2024, hàng ngàn con bò ở nhiều huyện của tỉnh Lâm Đồng được tiêm vắc-xin viêm da nổi cục Navet-Lpvac của Công ty Navetco. Đến gần cuối tháng 7, hàng loạt bò sữa, nhất là 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng nhiễm bệnh và chết.
Sau khi các đơn vị chức năng của tỉnh Lâm Đồng vào cuộc làm rõ nguyên nhân và sử dụng phác đồ điều trị, hướng dẫn chăm sóc, điều trị bệnh, số lượng bò bị chết có giảm. Tuy nhiên, gần đây tiếp tục xảy ra hiện tượng bò tái phát bệnh trở lại.
Cơ quan chức năng địa phương đưa những con bò chết đi chôn lấp, tiêu hủy
Ánh mắt mệt mỏi khi nhìn vào chuồng bò sữa của gia đình, ông Nguyễn Thanh Phong (thôn Kinh Tế Mới, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) cho hay ông vay ngân hàng 3 tỉ đồng đầu tư vào đàn bò sữa. Thế nhưng, từ sau khi tiêm vắc-xin thì đã có 3 con chết, 3 con bệnh nặng và 26 con còn lại đang có triệu chứng bệnh ban đầu, chưa biết sắp tới sẽ ra sao.
"Nhiều ngày liền chúng tôi cố gắng thuốc thang nhưng bò vẫn chết. Nhìn những con còn sống cũng đang bỏ ăn, nằm im một chỗ mà cả gia đình hoang mang" - ông Phong nói.
Bà Huỳnh Thị Kim Phượng (thôn Lạc Nghiệp, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) cũng bần thần khi cố gắng chăm sóc đàn bò đang bỏ ăn. Gia đình người phụ nữ này có 76 con bò bị tiêu chảy. Trước đây mỗi ngày vắt được gần 700 kg sữa, nhưng giờ đã không có ký sữa nào còn phải lo vay mượn để thuốc thang cho đàn bò và tiêu hủy bò chết. Bà Phượng rơm rớm nước mắt: "Chi phí thuốc men hơn 20 triệu đồng mỗi ngày nhưng đàn bò vẫn không khỏi bệnh, 8 con vừa chết. Mong sớm kết luận nguyên nhân cụ thể. Nếu do tiêm vắc-xin thì sớm có phương án đền bù cho chúng tôi để ổn định lại cuộc sống".
Còn tại thôn Bồng Lai (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng), như nhiều nông dân đang gồng mình cứu chữa cho đàn bò bệnh, ông Võ Văn Cao mắt ứa lệ khi nhắc đến đàn bò sữa gần 100 con đang "vật lộn" với đống dây nhợ truyền dịch trị tiêu chảy. "Nhìn chúng bỏ ăn, cơ thể gầy mòn qua mỗi ngày mà cả nhà không cầm được nước mắt. Cả cơ nghiệp chúng tôi đang nằm trong đàn bò này" - ông Cao than thở.
Đã có kết luận bước đầu
Sau khi xảy ra tình trạng bò sữa chết hàng loạt sau tiêm vắc-xin, các đơn vị chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã huy động hàng trăm cán bộ, nhân viên ngành thú y tập trung cứu chữa, chăm sóc cho đàn bò bệnh. Trong đó, 136 người trực tiếp điều trị bò bệnh.
Theo ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng, vắc-xin viêm da nổi cục do Công ty Navetco trúng thầu và cung cấp. Toàn bộ số bò sữa bị bệnh đều là số bò đã tiêm vắc-xin Navet-Lpvac, những con không tiêm thì không bị bệnh tiêu chảy. Theo ông Bích, cần phải có kiểm nghiệm độc lập lô vắc-xin tiêm cho đàn bò sữa Lâm Đồng để có kết luận cuối cùng. "Trường hợp do nguyên nhân vắc-xin thì chúng tôi sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường cho bà con nông dân" - ông Bích nói.
Hiện đoàn công tác của Cục Thú y thuộc Bộ NN-PTNT đã kiểm tra tại 18 hộ dân nuôi bò sữa ở 2 huyện Đức Trọng và Đơn Dương. Trong đó có 322/497 con đã tiêm vắc-xin Navet-Lpvac đã phát bệnh, số còn lại không tiêm phòng và đến nay chưa mắc bệnh. Đoàn công tác đã lấy mẫu bò bị bệnh, bị chết và mẫu vắc-xin Navet-Lpvac. Kết quả xét nghiệm cho thấy 13/17 con bò sữa có kết quả dương tính với Pestivirut tauri - loại virus có gây tiêu chảy trên bò. Tiếp tục xét nghiệm 14 lọ vắc-xin Navet-Lpvac đã cho kết quả có đến 12 lọ dương tính với Pestivirut tauri. Trong khi đó, các mẫu thức ăn và men vi sinh dùng cho bò sữa không có các loại vi khuẩn, virus nào gây bệnh. "Nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng do nhiễm Pestivirus tauri sau khi tiêm vắc-xin Navet-Lpvac của Công ty Navetco" - Cục Thú y kết luận bước đầu.
Tuy nhiên, đến nay chưa ghi nhận bò thịt đã được tiêm vắc-xin Navet-Lpvac do Công ty Navetco sản xuất bị mắc bệnh tiêu chảy; cũng chưa xác định có sự lây lan giữa bò được tiêm vắc xin và bò chưa được tiêm vắc xin, kể cả bò sống trong cùng chuồng nuôi.
Làm rõ quy trình đấu thầu vắc-xin
Về vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-Lpvac cho bò do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương sản xuất, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đề nghị làm rõ quy trình đấu thầu; quá trình giao nhận và bảo quản; các quy trình, hướng dẫn sử dụng và các vấn đề liên quan khác về việc lần đầu tiên sử dụng chủng loại vắc-xin này để tiêm cho đàn bò trên địa bàn. Ngoài ra, nghiên cứu các quy định, chính sách để xây dựng kế hoạch, phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng. Xác định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bồi thường, hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại sau khi cơ quan chức năng chính thức công bố nguyên nhân bò bệnh, chết.
Đăng thảo luận