Doanh nghiệp chật vật vì thiếu cơ chế
Mặc dù có đủ khả năng sản xuất và cung ứng các nguyên phụ liệu cho ngành dệt may nhưng bà Trần Thị Lan, đại diện Cơ sở sản xuất Nguyên Hồng (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, do thiếu vốn nên không thể mở rộng sản xuất kinh doanh.
“Sau đại dịch COVID-19, chúng tôi đang dần hồi phục như có đơn hàng từ khách hàng truyền thống và cả đối tác mới; được sự quan tâm từ đối tác ngoại khi tham gia các chương trình triển lãm, giới thiệu sản phẩm… Tuy nhiên cái khó ở đây là vốn sản xuất. Nếu nhận nhiều đơn hàng, công ty lo ngại không đủ kinh phí mua nguyên liệu để gia công; trong khi doanh nghiệp không đủ các điều kiện để vay vốn ngân hàng, khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi của nhà nước ”, bà Lan nói.
Có thâm niên trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, ông Nguyễn Ngọc Thông, Tổng Giám đốc Công ty điện Trường Giang nói rằng, công ty có thể sản xuất được các sản phẩm ngay trong nước đạt các tiêu chuẩn của châu Âu với giá thành giảm khá nhiều so với hàng nhập khẩu và chất lượng không thua kém nước ngoài. Thế nhưng ông Thông cũng nhìn nhận, đây là thiết bị quan trọng nên các công ty ở Việt Nam rất lo lắng và không chọn sử dụng sản phẩm trong nước. Đó là lý do hàng Việt Nam không phát triển được.
“Việt Nam sản xuất được các thiết bị hoàn toàn có khả năng cạnh tranh được với các nước, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, do còn nhiều rào cản từ tư duy, bên cạnh đó cần phải có thêm các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, phát huy hiệu quả từ các chính sách của Nhà nước, của địa phương…” - ông Thông nói.
TPHCM tăng cường các giải pháp trợ lực, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Uyên Phương
Ông Phạm Ngọc Duy, Giám đốc Công ty giày dép Duy Ngọc (quận Tân Phú) tâm sự, rất muốn dùng các nguyên phụ liệu trong nước nhưng đối tác nước ngoài không đồng ý. Họ yêu cầu sử dụng các phụ liệu do họ cung cấp hoặc phải mua từ những đối tác do khách hàng chỉ định.
“Một vấn đề khác là các phụ liệu trong nước, ví dụ rất nhỏ như chiếc nơ kim loại trang trí trên đôi giày không tinh xảo, bắt mắt bằng hàng của Trung Quốc; doanh nghiệp sản xuất số lượng nhỏ nên giá thành cũng cao hơn. Vì vậy những đơn vị sản xuất như chúng tôi buộc phải sử dụng hàng nhập khẩu”, ông Duy nói thêm.
Khi chính quyền vào cuộc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kết nối
Về hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, UBND TPHCM cho biết, thành phố đã có kế hoạch về thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 – 2025. Theo đó, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Trong đó chú trọng xây dựng, tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo các chương trình hỗ trợ lãi suất đầu tư và các chính sách ưu tiên của TPHCM.
Đồng thời, thành phố sẽ tổ chức Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TPHCM; hỗ trợ quảng bá, phát triển doanh nghiệp có sản phẩm được bình chọn tại chương trình. Đổi mới, tăng cường các hoạt động truyền thông về công nghiệp hỗ trợ.
Một giải pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh giao thương, tìm kiếm bạn hàng là mở rộng Trung tâm trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của thành phố; tổ chức hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến, kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp vi mạch, tạo điều kiện để TPHCM bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xây dựng đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất như: Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực quản lý chất lượng, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao.
“Thành phố sẽ hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thông qua xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Cùng đó, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản trị, năng lực sản xuất và quản trị chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…”, lãnh đạo UBND TPHCM cho hay.
Xem nhiềuKinh tế
Thống nhất nghỉ Tết 9 ngày, vì sao nhiều nơi kéo dài 11 hôm?
Kinh tế
Giá vàng nhẫn mỗi ngày một kỷ lục mới
Kinh tế
Rao bán tòa nhà Landmark 72 cao 'chọc trời' Hà Nội
Kinh tế
Vụ việc nào bị kiểm toán chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra?
Xã hội
Đăng thảo luận