Theo báo cáo công bố hôm 6-9 của Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), mùa hè năm 2024 là mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận kể từ khi C3S bắt đầu theo dõi nhiệt độ toàn cầu năm 1940.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp kỷ lục đáng lo ngại này được xác lập. Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay cao hơn 0,69 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020, vượt qua kỷ lục trước đó (được thiết lập vào năm 2023) 0,66 độ C.
Nông dân ở TP Camarillo, bang California - Mỹ trùm kín người khi làm đồng dưới cái nắng gay gắt hôm 5-9 - Ảnh: REUTERS
Trong báo cáo mới, C3S xác nhận tháng 8-2024 và tháng 8-2023 chia sẻ kỷ lục tháng 8 nóng nhất lịch sử với nhiệt độ trung bình toàn cầu là 16,82 độ C, cao hơn 1,51 độ C so với nhiệt độ trung bình của tháng 8 trong thời kỳ tiền công nghiệp.
Châu Á mưa bão, châu Âu - Mỹ nắng nóngĐỌC NGAY
Tổng hợp lại, giai đoạn từ tháng 9-2023 đến tháng 8-2024 là giai đoạn 12 tháng nóng nhất được ghi nhận, cao hơn 1,64 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Đài CNBC dẫn lời bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc C3S, cho biết chuỗi nhiệt độ kỷ lục này đang làm tăng khả năng năm 2024 sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận.
Theo bà Burgess, trong tương lai hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ mà chúng ta đã chứng kiến trong mùa hè vừa qua sẽ ngày càng dữ dội, gây ra hậu quả tàn khốc hơn cho con người và hành tinh nếu chúng ta không hành động khẩn cấp để giảm phát thải khí nhà kính.
Theo CNN, các nhà khoa học khác cũng cảnh báo đây không phải kỷ lục cuối cùng vì con người vẫn tiếp tục khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, yếu tố chính làm nóng hành tinh.
Đăng thảo luận