Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022). Đến nay đã có 265 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia
Trong số bảo vật quốc gia được công nhận đợt này, đáng chú ý là bộ thành bậc Điện Kính Thiên thế kỷ XVII, hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
Thềm bậc Điện Kính Thiên
Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông, trên núi Nùng, ngay nền cũ cung Càn Nguyên - Thiên An của thời Lý - Trần. Đây là nơi thiết triều, bàn những việc quốc gia đại sự cũng như đón tiếp sứ giả nước ngoài, tiến hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình.
Cặp thành bậc Điện Kính Thiên được xác định niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII), có cấu trúc và hoa văn trang trí hoàn toàn giống nhau, gồm tượng rồng ở phần trên và các họa tiết trang trí ở mặt ngoài, trong tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc.
Mặt ngoài lan can hình tam giác có đường diềm chạm một nửa hình hoa liên tiền nối tiếp nhau, góc tạo bởi 2 đầu cánh hoa chạm một nửa hình hoa cúc. Bên trong khung hình tam giác vuông, chạm đề tài cá hóa rồng trong đầm sen. Trong đầm còn có uyên ương bơi lội trên sóng nước, các cụm sóng có tạo nổi sóng bạc ba ngọn. Nổi trên các con sóng là đồ án nụ - hoa - lá sen, trên đỉnh là cụm mây.
Cặp thành bậc Điện Kính Thiên (Ảnh: TƯ LIỆU)
Không gian nơi này trở thành một di tích "kép" cho cả 2 thời đại: Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam - di tích lịch sử quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam. Thềm bậc Điện Kính Thiên là di tích hiếm còn sót lại trong kiến trúc hoàng cung thời Lê. Bảo vật này được ví như một "nhân chứng" lịch sử.
Đợt này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội còn có nhiều hiện vật khác được công nhận bảo vật, tiêu biểu là đầu rồng thời Trần, thế kỷ XIII. Cổ vật này được xác định là một bộ phận trang trí quan trọng trên bộ mái kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc thời Lý - Trần nói riêng. Bên cạnh đó, còn có bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ thế kỷ XV - XVI; súng thần công thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII; tượng An Dương Vương năm 1897, đang thờ tại di tích Cổ Loa.
Tượng bán thân Bác Hồ
Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đầu năm 1946, bà Nguyễn Thị Kim tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm mỹ thuật ra mắt công chúng nhân kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, Ban lãnh đạo Hội Văn hóa Cứu quốc đã cử họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung và bà Nguyễn Thị Kim đến Phủ Chủ tịch gặp Bác để vẽ và sáng tác tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau một thời gian làm việc tại Phủ Chủ tịch, bức tượng bán thân Bác Hồ đã được hoàn thành, tượng cao 45 cm, nặng 17 kg, mô tả Bác trong tư thế đang chú tâm vào công việc, đầu hơi cúi xuống, vầng trán rộng, nét mặt đăm chiêu, thần thái ung dung ẩn chứa nội tâm sâu thẳm của vị Chủ tịch nước.
Tượng bán thân Bác Hồ (Ảnh: TƯ LIỆU)
Tháng 12-1946, kháng chiến bùng nổ. Nhà in Báo Sự thật hồi đó đang đóng ở nhà bà Nguyễn Thị Kim, được lệnh phải khẩn trương rút khỏi Hà Nội. Trước khi rời Hà Nội theo kháng chiến, để bức tượng không lọt vào tay kẻ thù, chồng bà Nguyễn Thị Kim đã đào hầm ngay dưới gầm bàn thờ nhà thờ họ của gia đình để chôn giấu bức tượng.
Sau ngày giải phóng thủ đô, hòa bình lập lại, gia đình bà Nguyễn Thị Kim trở về Hà Nội cùng các đoàn quân giải phóng. Vừa về đến nhà, bà đã cùng với anh trai đào bới căn hầm khi xưa và vui mừng khôn xiết khi thấy bức tượng sau 8 năm nằm trong lòng đất vẫn còn vẹn nguyên màu đồng. Năm 1959, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) được thành lập, vợ chồng bà Nguyễn Thị Kim quyết định đem tặng bảo tàng bức tượng quý mang dấu ấn một thời kỳ lịch sử này.
Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn
Cặp tượng voi hiện lưu giữ tại khu di tích Thành Hoàng Đế, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định cũng được công nhận bảo vật quốc gia trong đợt này. Theo hồ sơ di tích, cặp tượng voi đá này là những tác phẩm thuộc nền điêu khắc Chăm Pa, được tạo từ chất liệu là đá sa thạch và được xem là hiện vật gốc, độc bản trong phong cách điêu khắc Chăm ở thế kỷ XII. Hai tượng voi đá này được tạc dưới dạng tượng tròn, có kích thước lớn nhất của người Chăm được phát hiện từ trước đến nay.
Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn (Ảnh: TƯ LIỆU)
Đăng thảo luận