Dự án BOT quốc lộ 51 được triển khai từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước trên cơ sở mở rộng quốc lộ cũ nối thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Từ một con đường quy mô 2 làn xe mỗi hướng (trong đó có 1 làn xe thô sơ), qua nhiều giai đoạn, quốc lộ 51 đã được mở rộng gấp 3 lần kịp thời phục vụ quốc kế dân sinh. Tuy nhiên, sau gần 30 năm hợp tác, từ ngày bị buộc dừng thu phí, nhà đầu tư cũng chấm dứt luôn nghĩa vụ duy tu, bảo trì. Trong khi đó, đơn vị tiếp nhận không đủ khả năng bố trí kinh phí để thực hiện.
Trong công văn “cầu cứu” Bộ GTVT mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, khoảng 186.000 m2 mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, trong đó gần 100.000 m2 cần khắc phục ngay. Đáng chú ý, nhiều vị trí hằn lún vệt bánh xe, tạo thành hố sâu... ảnh hưởng đến lưu thông của người dân, gây mất an toàn giao thông.
Câu chuyện BOT quốc lộ 51 thực ra không mới. Vài năm trước, Bộ GTVT và nhiều địa phương từng đau đầu với những dự án tương tự như quốc lộ 12, đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên; quốc lộ 1, đoạn tránh Hà Tĩnh; quốc lộ 1K, đoạn Km 2+478-Km 12+971; quốc lộ 1, đoạn tránh Cai Lậy...
Các bên liên quan tranh chấp, không thống nhất được thời điểm kết thúc hợp đồng, bàn giao công trình và xác lập quyền sở hữu toàn dân nên chưa bố trí được nguồn vốn bảo trì, từ đó khiến công trình nhanh chóng xuống cấp.
Để giải quyết bất cập này, Tổng cục Đường bộ (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) đã đề xuất Bộ GTVT cho phép tiếp nhận, quản lý và bảo trì các tuyến quốc lộ đầu tư theo hình thức BOT khi tạm dừng thu phí hoặc chờ thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng, giải pháp trên chỉ mang tính tình thế và chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Có thể nói, tiếp nhận một dự án BOT xuống cấp, hư hỏng khi nhà đầu tư không còn thu phí là một “lỗ hổng” lớn trong thực hiện ký kết hợp đồng giữa các cơ quan quản lý nhà nước với chủ đầu tư dự án.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là mâu thuẫn trong xác định mục tiêu. Cơ quan quản lý Nhà nước thì phải hướng tới mục tiêu tiếp nhận một dự án bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tham gia giao thông. Trong khi đó, người kinh doanh chỉ mong thu lợi nhuận cao nhất.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, với những dự án BOT được bàn giao đã xuống cấp cần rà soát, xem xét lại toàn bộ hợp đồng ký kết liên quan để xác định trách nhiệm, cũng như lợi ích của các bên. Tất cả sẽ phải thực hiện theo hợp đồng nên các điều khoản quy định trong hợp đồng BOT cần rõ ràng, minh bạch hơn.
Đối với những dự án BOT vẫn đang trong thời gian thu phí, nếu phát hiện xuống cấp, hư hỏng, cơ quan quản lý nhà nước phải buộc nhà đầu tư dừng thu phí, bảo trì xong mới được phép thu tiếp. Những dự án hết thời gian thu phí, khi được bàn giao phải bảo đảm chất lượng và còn khai thác tốt thì mới được tiếp nhận.
Huy Thịnh Xem nhiềuTôi nghĩ
Rạn vỡ vô hình
Tôi nghĩ
Nước…
Tôi nghĩ
Nguồn lực và điểm tựa
Tôi nghĩ
Phông bạt
Tôi nghĩ
Đăng thảo luận