Trong cuộc họp cấp cao tại Lào, các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá những chuyển động sâu rộng trong môi trường an ninh quốc tế và khu vực đặt ra cho ASEAN nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

ASEAN tự cường trước cơ hội và thách thức  第1张

Lãnh đạo 10 nước ASEAN cùng Timor-Leste tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 (phiên toàn thể) vào ngày 9-10 - Ảnh: Reuters

"Chúng ta giúp đỡ nhau và cùng nhau hợp tác theo phương thức ASEAN. Chúng ta sẽ thảo luận và tăng cường hợp tác giữa các thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại, cùng với việc duy trì sự đoàn kết và tính trung tâm của ASEAN" - Thủ tướng nước chủ nhà Lào Sonexay Siphandone chia sẻ trong phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần 44, 45 tại thủ đô Vientiane vào ngày 9-10 với chủ đề "Thúc đẩy kết nối và tự cường".

Tự cường và tự chủ chiến lược là nền tảng để ASEAN vững vàng trước mọi biến động, vượt qua mọi thách thức.

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào vào ngày 9-10.

Thảo luận về Myanmar, Biển Đông

Sự đoàn kết và tính trung tâm của ASEAN là những yếu tố quan trọng để khối này có thể giải quyết các thách thức to lớn, nổi bật là cuộc khủng hoảng Myanmar và tranh chấp ở Biển Đông. Các nhà lãnh đạo khu vực đã không né tránh những vấn đề nhạy cảm này tại cuộc họp hôm 9-10.

Bà Paetongtarn Shinawatra, người dự hội nghị cấp cao ASEAN lần đầu tiên với tư cách thủ tướng Thái Lan, chia sẻ giải pháp cho vấn đề Myanmar: "ASEAN phải gửi một thông điệp thống nhất đến tất cả các bên ở Myanmar rằng sẽ không có giải pháp quân sự. Giờ là lúc bắt đầu đối thoại và Thái Lan sẵn sàng giúp đỡ". 

Trước đó, Thái Lan đề nghị tổ chức một cuộc tham vấn không chính thức giữa 10 nước thành viên ASEAN vào tháng 12 tới để tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Myanmar đã khiến hàng triệu người mất nhà cửa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng đối thoại là cần thiết để giải quyết khủng hoảng Myanmar. Theo ông, việc triển khai Đồng thuận 5 điểm đến nay còn hạn chế, qua đó đòi hỏi ASEAN cần có cách tiếp cận mới. 

Ông khẳng định giải pháp cho Myanmar phải do nhân dân Myanmar quyết định. Thủ tướng mong muốn các bên liên quan tại Myanmar đối thoại, đàm phán để chấm dứt xung đột, không để ảnh hưởng đến người dân cũng như gây ra các hệ lụy về an ninh đối với khu vực.

"ASEAN cần phát huy vai trò, làm cầu nối, tạo điều kiện cho các bên liên quan đối thoại, đàm phán. Trong các nỗ lực đó, ASEAN cần củng cố đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò trung tâm. Đây cũng chính là những giá trị đã làm nên thành công và uy tín của ASEAN, đưa ASEAN vượt qua khó khăn, thử thách, trở thành tâm điểm của hòa bình và hợp tác" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Việt Nam là tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. 

Ông đề nghị các bên tôn trọng lợi ích và quyền chủ quyền của các nước có liên quan, đồng thời đề nghị các nước thành viên ASEAN cùng đoàn kết, củng cố vai trò trung tâm và lập trường chung về Biển Đông.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại hội nghị, các nước nhất trí củng cố lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh thượng tôn luật pháp, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Nhiều cơ hội phát triển mới

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tự cường, tự chủ chiến lược là nền tảng của ASEAN

  • Những hình ảnh nổi bật của Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào

Theo Bộ Ngoại giao, tại phiên họp hẹp (tức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 45) vào ngày 9-10, các nước cũng nhất trí các động lực tăng trưởng mới sẽ mở ra những tiềm năng và cơ hội phát triển mới cho ASEAN cũng như hợp tác giữa ASEAN và các đối tác.

Trước đó cùng ngày, tại phiên toàn thể (tức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều thử thách, ASEAN tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu; là cầu nối của đối thoại, hợp tác; và là tâm điểm của các tiến trình hội nhập, liên kết ở khu vực. 

"Các khuôn khổ về kinh tế số, kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn… đang từng bước định hình nội hàm hợp tác mới ở khu vực" - ông nêu.

Báo Nikkei Asia ngày 9-10 dẫn lời ông Julio Amador, giám đốc điều hành Công ty tư vấn Amador Research Services tại Philippines, tin rằng chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào lần này có khả năng sẽ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề kinh tế và khả năng phục hồi, nhấn mạnh sự mở cửa của khu vực đối với đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của tổng thư ký ASEAN tại hội nghị cấp cao cùng ngày, ASEAN duy trì đà tăng trưởng tích cực, tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn với tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp năm 2023 (FDI) là 230 tỉ USD - đứng thứ hai sau Mỹ.

Trong khi đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhận định từ năm 2022 đến nay đã có thay đổi lãnh đạo ở nhiều quốc gia thành viên ASEAN như Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia, Singapore, Thái Lan… 

Theo WEF, những sự chuyển giao quyền lực đó tạo cơ hội để xem xét lại tầm nhìn chiến lược dài hạn của khối thương mại ASEAN, cho phép các tân lãnh đạo giới thiệu những ý tưởng cải cách nhằm làm mới nỗ lực hội nhập.

Gặp ba bên Việt Nam, Lào, Campuchia

Cũng trong ngày 9-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp ăn sáng làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Ba thủ tướng nhất trí tìm giải pháp phát triển các cơ chế hợp tác song phương và ba nước theo hướng hiệu quả, thực chất hơn.

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dự cuộc gặp thường niên lần thứ nhất giữa Việt Nam và Singapore; gặp thủ tướng Singapore, thủ tướng Thái Lan và quốc vương Brunei.