Bác sĩ cứu cậu bé 8 tuổi chỉ còn con đường sống duy nhất

(Dân trí) - Bị suy thận mạn từ năm 4 tuổi, đến nay, cậu bé S.A. (8 tuổi) đã suy thận giai đoạn cuối. Ngoài ra, cậu bé còn bị suy tim trên nền rối loạn đông máu. Ghép thận là con đường duy nhất cứu sống bệnh nhi.

Ngày 20/9, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về ca ghép thận trẻ em rất đặc biệt, bệnh nhi bị suy thận mạn giai đoạn cuối, suy tim trên bệnh nền rối loạn đông máu

Bệnh nhi là bé S.A. (8 tuổi), bị suy thận mãn từ 4 năm trước đó, kèm theo bệnh nền giảm tiểu cầu. Suốt 4 năm nay, gia đình kiên trì cùng bé điều trị song song 2 bệnh lý.

Đến tháng 11/2023, tình trạng trẻ trở nặng, gây biến chứng chức năng tim, phổi và phải lọc máu thay thế thận tại Khoa Thận và Lọc máu.

Tuy nhiên, quá trình lọc máu rất khó khăn do bé S.A. mắc thêm bệnh rối loạn đông cầm máu do thiếu hụt hoặc giảm hoạt tính của yếu tố Von Willebrand trong máu.

"Trong quá trình lọc máu định kỳ, tiểu cầu của trẻ thường xuyên ở mức thấp và phải truyền tiểu cầu, đồng thời, có những đợt chảy máu kéo dài, chúng tôi phải can thiệp để ngăn chặn tình trạng này", TS.BS Nguyễn Thị Mai Hương - Trưởng khoa Huyết học lâm sàng - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Bác sĩ cứu cậu bé 8 tuổi chỉ còn con đường sống duy nhất  第1张

Bệnh nhi thời điểm sau ghép thận ổn định (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Cùng với đó, tình trạng suy tim của trẻ cũng khiến quá trình điều trị bị ảnh hưởng rất lớn.

"Bị suy thận nặng, trẻ phải chạy thận nhân tạo hàng ngày để giảm tình trạng quá tải cho tim, tuy nhiên, mỗi ngày trẻ chỉ chịu đựng được hơn 1 giờ lọc máu là phải dừng lại, do đó việc lọc máu kém hiệu quả", TS Mai Hương thông tin.

Lúc này, các bác sĩ đánh giá, ghép thận là con đường sống duy nhất cho bệnh nhi, nếu không được ghép thận, bệnh nhi rất khó kéo dài sự sống.

Ngày 27/8 vừa qua, các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương quyết định tiến hành ca ghép thận cho bệnh nhi.

"Đây được xem là một trong những ca ghép thận khó khăn nhất từ trước đến nay của Bệnh viện. Ca ghép thận này là một thách thức rất lớn nhưng cũng là con đường duy nhất cứu sống bệnh nhi", TS.BS Nguyễn Thu Hương - Trưởng Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Theo chuyên gia này, ca ghép thận cho bệnh nhi tiềm ẩn nhiều rủi ro vì trẻ mắc bệnh lý rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu và suy tim kéo dài. Nhưng nếu không ghép, trẻ sẽ không còn cơ hội.

Ca ghép thận cho bệnh nhi được phối hợp với rất nhiều chuyên khoa, như: Ngoại Tiết niệu, Tim mạch, Thận và Lọc máu, Gây mê hồi sức, Hồi sức ngoại, Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Chẩn đoán hình ảnh, Ngân hàng máu, Sinh hóa, Huyết học...

Bác sĩ cứu cậu bé 8 tuổi chỉ còn con đường sống duy nhất  第2张

Bệnh nhi khỏe khoắn trước ngày xuất viện (Ảnh: Bệnh viện).

Sau 5 giờ phẫu thuật, nước tiểu xuất hiện sau khi nối niệu quản, bệnh nhi được kiểm soát tình trạng chảy máu, ca ghép thận đầy căng thẳng đã diễn ra thành công trong sự vui mừng vỡ òa của cả ekip.

Sau ghép, bệnh nhi được chuyển về khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa để theo dõi và chăm sóc hồi sức. 

Sau khi toàn trạng đã ổn định, trẻ được tiếp tục chăm sóc, theo dõi tại khoa Thận và Lọc máu và hàng ngày trẻ được tiêm yếu tố Von Willebrand, truyền tiểu cầu theo chỉ định của khoa Huyết học lâm sàng.

Hiện tại, sau 14 ngày ghép thận, trẻ đã hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường và được ra viện.

"Từ cậu bé ngày nào cũng phải nằm viện lọc máu, nay con có thể đến trường học hành, vui chơi cùng các bạn, bố mẹ không còn phải nghỉ việc đưa con đi chạy thận hàng ngày, kinh tế gia đình cũng sẽ bớt gánh nặng hơn.

Chi phí ca phẫu thuật cũng được bệnh viện kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ toàn bộ. Chúng tôi ghi ơn các bác sĩ từ tận đáy lòng", chị P.A., mẹ bệnh nhi chia sẻ.

Từ năm 2004 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghép thận thành công cho gần 70 bệnh nhi, mở ra cánh cửa sự sống cho nhiều trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối.