Dự thảo Luật Dữ liệu đề xuất thành lập sàn giao dịch dữ liệu dưới sự quản lý của Bộ Công an, cung cấp dịch vụ mua bán, trao đổi hợp pháp và an toàn.

Bộ Công an đang xây dựng dự án Luật Dữ liệu quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; bổ sung thiết chế quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại Điều 51, Bộ Công an đề xuất các quy định về sàn giao dịch dữ liệu. Đây là môi trường giao dịch trực tuyến để trao đổi, mua bán, cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu một cách phù hợp, chính xác và hợp pháp.

Sàn giao dịch dữ liệu do Bộ Công an cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định, có sự giám sát, đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan quản lý nhà nước được triển khai sàn giao dịch dữ liệu và chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ về hoạt động trước cơ quan chủ quản.

Sản phẩm dữ liệu được giao dịch phải tạo ra từ nguồn dữ liệu phi cá nhân hoặc dữ liệu cá nhân khi được chủ thể đồng ý. Dữ liệu giao dịch này không tác động đến an ninh, quốc phòng, xâm phạm bí mật nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quy chế hoạt động của sàn phải được công khai, bao gồm trách nhiệm các bên tham gia; quy trình giao dịch; đảm bảo bí mật thông tin, chống hành vi gian lận; quản lý rủi ro, xử lý khiếu nại tranh chấp, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bộ Công an đề xuất lập sàn giao dịch dữ liệu  第1张

Trung tâm dữ liệu của Viettel tại Hòa Lạc. Ảnh: Lưu Quý

Bộ Công an cho biết dự luật hướng đến phát triển mạng lưới sàn giao dịch dữ liệu phù hợp chủ trương chiến lược dữ liệu quốc gia, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Sàn giao dịch dữ liệu sẽ tăng tính kết nối, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực dữ liệu, tư vấn chiến lược quản trị dữ liệu. Đây cũng là nền tảng hỗ trợ giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Để làm được điều này, Chính phủ sẽ xây dựng quy định về hình thức sở hữu, mua bán dữ liệu; quyền tài sản dữ liệu; dữ liệu bản quyền; đưa dữ liệu trở thành một loại tài sản được pháp luật bảo vệ.

Theo cơ quan soạn thảo, các luật, văn bản hiện hành chưa quy định đầy đủ và thống nhất về sàn giao dịch dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu. Trong khi đó, thị trường dữ liệu, phát triển sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu có vai trò rất quan trọng. Đây là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy thị trường dữ liệu, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số.

Góp ý nội dung này, Bộ Công Thương đề nghị làm rõ các trường dữ liệu được phép kinh doanh trên sàn giao dịch dữ liệu; bổ sung trách nhiệm của các bên liên quan như đơn vị vận hành hạ tầng sản giao dịch dữ liệu.

Bộ Tư pháp cho rằng điều kiện về tổ chức để thực hiện cung cấp dịch vụ sàn giao dịch dữ liệu theo dự thảo chỉ là doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Nội dung này cần cân nhắc thêm vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. "Nên để tổ chức, cá nhân đều có quyền tham gia hoạt động này, nhà nước chỉ đặt ra các điều kiện hoặc rào cản kỹ thuật để bảo vệ an toàn dữ liệu", Bộ Tư pháp nêu quan điểm.

Theo Chiến lược dữ liệu quốc gia vừa được Thủ tướng ban hành, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thành thí điểm, thử nghiệm 5 sàn giao dịch dữ liệu. Dự luật Dữ liệu sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 8 khai mạc tháng 10.