Ông Nguyễn Anh Đức, CEO của Saigon Co.op, cho rằng có hai yếu tố quan trọng đi đến quyết định thay đổi của một doanh nghiệp. Đó là tính pháp lý của môi trường đầu tư và dấu ấn nhu cầu của thị trường.
Các CEO đã chia sẻ về các chiến lược thực tiễn và bài học kinh nghiệm từ đơn vị - Ảnh: H.K
Tại diễn đàn "Lật ngược và xoay chuyển tình thế để dẫn đầu" vừa diễn ra ở TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ trong xuyên suốt 35 năm phát triển, nhà bán lẻ Việt Nam đã trải qua 5 cột mốc chuyển mình.
5 cột mốc chuyển đổi của Saigon Co.op
Theo ông Nguyễn Anh Đức, những bước chuyển này gắn với thay đổi của thị trường và công nghệ và để không bị bỏ lại, nhà bán lẻ Việt cũng phải thích ứng.
Quá trình này được đánh dấu bởi sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và khung pháp lý, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của đơn vị để trở thành một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.
Bước đầu là cột mốc năm 1989 gắn với những sự thay đổi cơ bản. Saigon Co.op chuyển đổi từ mô hình nhà nước sang doanh nghiệp hợp tác xã. Trong giai đoạn này, công ty mở rộng hoạt động từ sản xuất sang xuất khẩu, đánh dấu những bước đi đầu tiên trên thị trường kinh tế.
Dấu mốc thứ hai là năm 1996 khi Saigon Co.op khai trương siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh, siêu thị đầu tiên trong chuỗi bán lẻ của mình. Sự thay đổi này đánh dấu sự bắt đầu của kỷ nguyên bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, phù hợp với những cải cách kinh tế lớn hơn của đất nước.
Bước vào thập kỷ 2000, nhu cầu tiêu dùng dần chuyển hướng sang các mô hình bán lẻ hiện đại. Saigon Co.op bắt đầu phát triển chuỗi bán lẻ, tận dụng công nghệ mới để đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của khách hàng.
Theo đó, giai đoạn 2003 - 2004, nhu cầu thị trường không chỉ dừng lại ở thương mại truyền thống mà cần có thêm kênh thương mại hiện đại là siêu thị. "Đây là cột mốc phát triển tạo nên những giá trị mới, phục vụ liên tục những phân khúc khách hàng khác nhau", ông Anh Đức chia sẻ thêm.
Và đến năm 2010, khi thị hiếu người tiêu dùng trở nên đa dạng, Saigon Co.op mở rộng các mô hình bán lẻ của mình để phục vụ các nhóm khách hàng khác nhau. Cho đến nay, đơn vị đã vận hành 10 mô hình bán lẻ khác nhau, minh chứng cho khả năng thích ứng với sự thay đổi động lực thị trường
Tuy nhiên, giai đoạn thách thức và biến đổi lớn nhất là từ năm 2019 trở đi. Với sự phát triển của kinh tế số, các sáng kiến xanh và kinh tế tuần hoàn, Saigon Co.op đã phải cải tổ toàn bộ mô hình kinh doanh, hướng tới thương mại điện tử và bền vững.
Ông Đức nhấn mạnh rằng doanh nghiệp phải thích nghi hoặc sẽ trở nên lỗi thời, với khẩu hiệu: "Thay đổi hoặc chết".
Và dấu mốc thứ 5 là từ năm 2019 đến nay, kéo dài và đầy vất vả. "Có thể nói đây là giai đoạn mà doanh nghiệp nói chung và Saigon Co.op nói riêng có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất nhưng cũng là khó khăn nhất, liên quan đến nhiều thành phần của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thật không quá lời khi cho rằng thời điểm này doanh nghiệp sẽ được đặt trong tình thế "xoay chuyển hoặc chết", CEO Saigon Co.op nói thêm.
Ông nhấn mạnh: "Riêng với hệ thống bán lẻ, thách thức đặt ra là phải bắt kịp thương mại điện tử. Khó khăn là tất cả yêu cầu này đặt ra một lần đòi hỏi doanh nghiệp phải có nội lực đủ lớn thì mới thực hiện được. Là nhà quản lý, chúng tôi cũng nhìn thấy những vấn đề đặt ra, tranh thủ phải học hỏi, từ các đơn vị khá để vượt qua những cột mốc thay đổi của thị trường.
Yêu cầu về mặt pháp lý và yêu cầu thị trường luôn đòi hỏi tạo ra giá trị tăng thêm trong dịch vụ, thì sự thức thời của xu hướng phát triển làm cho một doanh nghiệp không thể không ngừng thay đổi để phát triển.
Ông Nguyễn Anh Đức cho rằng trong 5 dấu mốc trên, 4 giai đoạn đầu gắn với sự phát triển của doanh nghiệp do thay đổi của môi trường, riêng yếu tố thứ 5 mang tính thích nghi trước các rủi ro của hoàn cảnh.
Phát huy bản sắc nội tại của mỗi doanh nghiệp
Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, nắm bắt và phát huy bản sắc nội tại là giá trị cốt lõi để đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua biến động của thị trường.
Hiện Saigon Co.op đang nhận diện rõ sự thay đổi của môi trường kinh doanh, các yếu tố như xu hướng thị trường, công nghệ, chính sách và kỳ vọng của bên liên quan có thể biến đổi bất ngờ; những khó khăn rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt. Từ đó, xem xét nội tại của mình và áp dụng những giải pháp phù hợp.
Ông Đức cũng dẫn giải thêm, một giải pháp đã giúp Saigon Co.op vượt qua khủng hoảng thị trường giai đoạn dịch COVID-19 là phát huy sự chung tay, đồng lòng của cán bộ công nhân viên.
Theo đó, về phía cấp lãnh đạo chia sẻ khó khăn chi phí bằng cách giảm lương, quyết tâm không để bất kỳ nhân viên nào bị mất việc. Song song đó, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ sự an toàn, sức khỏe cho cán bộ công nhân viên và người thân.
Ngược lại, phát huy tinh thần đoàn kết của hơn 14.000 cán bộ nhân viên Saigon Co.op vượt qua khó khăn do đứt gãy nguồn cung, logistics và thị trường.
Từ thực tế này, ông Đức cho rằng để có thể xoay chuyển tình thế nguy nan, đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì doanh nghiệp cần phải nhận diện và đề ra các giải pháp xoay chuyển từ chính bản sắc nội tại riêng của doanh nghiệp mình.
Trong khuôn khổ diễn đàn "Lật ngược và xoay chuyển tình thế để dẫn đầu", các diễn giả chia sẻ về kinh nghiệm phát triển, giải pháp xoay chuyển để giúp doanh nghiệp vượt khó; giải pháp xây dựng đội ngũ lãnh đạo tại các tập đoàn đa quốc gia; những thách thức và cơ hội trong việc phát triển năng lực lãnh đạo tại các ngành công nghiệp khác nhau.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần thực hiện cân bằng 3 yếu tố là nguồn nhân lực (tăng chất lượng đào tạo) - công việc (nâng cao kỷ luật nhưng không quá nguyên tắc và áp đặt trách nhiệm một cách máy móc) - đánh giá rủi ro và lựa chọn giải pháp an toàn tương đối để có quyết sách nhanh, phù hợp.
Không chỉ trao đổi một chiều, chương trình cũng dành thời lượng để người tham gia thực hành ngay những điều mà các CEO vừa chia sẻ.
Đăng thảo luận