Có hợp lý không khi tài xế không bằng lái, quay đầu ôtô, chạy ngược chiều trên cao tốc nhưng chỉ bị phạt hành chính 28 triệu đồng?
"Không có giấy phép lái xe mà cố tình chạy ôtô, còn đi ngược chiều trên cao tốc vô cùng nguy hiểm, ấy vậy mà tài xế chỉ bị phạt hành chính là quá nhẹ. Thế nên, những người thiếu ý thức vẫn chẳng hề sợ hãi. Đừng nói tại không biết luật vì đến cả trẻ em cũng biết là không được phép đi ngược chiều, nhất là trên cao tốc. Theo tôi, nên bổ sung thêm quy định phạt nặng hơn với lỗi này. Chứ nếu cứ giơ cao đánh khẽ, đến khi xảy ra tai nạn thì bao nhiêu người chấp hành đúng luật cũng bị vạ lây, kéo theo bao nhiêu hệ lụy khác nữa".
Đó là quan điểm của độc giả PQH xung quanh vụ việc tài xế 49 tuổi, không bằng lái, chạy ôtô ngược chiều trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, bị xử phạt 28 triệu đồng (17 triệu đồng vì lỗi chạy ngược chiều, 11 triệu đồng do không có bằng lái). Nam tài xế cho biết bị nhầm đường nên cho xe quay đầu chạy ngược chiều để trở lại trạm thu phí. Về việc không có bằng lái, ông nói trước đây có đi học lái xe nhưng thi trượt lý thuyết.
Tài xế không bằng lái, chạy ngược chiều trên cao tốcÔtô chạy ngược chiều trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, trưa 3/8. Video:Camera giám sát
Cho rằng mức phạt dành cho hành vi nguy hiểm của tài xế trên là thiếu tính răn đe, bạn đọc Quyen Dang Hoang so sánh: "Điều khiển xe ôtô quay đầu, chạy ngược chiều trên cao tốc, đồng thời không có bằng lái, nhưng mức phạt lại thấp hơn mức kịch khung khi lái ôtô mà trong máu có nồng độ cồn. Theo tôi, án phạt như vậy là rất bất hợp lý. Những trường hợp tài xế chạy ngược chiều trên cao tốc cần tước bằng vĩnh viễn hoặc không cấp bằng, thị lại trong 5-10 năm".
>> Chạy ngược chiều cao tốc bị phạt nhẹ hơn lỗi uống rượu bia
Theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
Trong khi đó, tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt cao nhất dành cho hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là từ 30 đến 40 triệu đồng đối với mức cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở.
Cho rằng cần tăng mức xử phạt với hành vi chạy ôtô ngược chiều trên cao tốc, độc giả Nam Le nhấn mạnh: "Mức phạt hiện nay vẫn còn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe, dẫn tới hành vi chạy ngược chiều trên cao tốc vẫn diễn ra nhan nhản. Theo tôi, nên tăng mức phạt tối thiểu lên gấp 10 lần, áp dụng chế tài tăng nặng theo số km đã chạy ngược chiều (cứ mỗi 200-500 mét sẽ bị phạt thêm 50 triệu đồng). Có như vậy thì may ra mới đủ sức khiến tài xế chùn chân ga trước khi quyết định cho xe quay đầu, chạy ngược chiều trên cao tốc".
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Thyhoang lấy dẫn chứng từ chế tài xử phạt ở nước ngoài: "Hành vi này là cố ý vi phạm giao thông nghiêm trọng, đặt tính mạng của rất nhiều người vào nguy hiểm chỉ vì một chút lợi ích của bản thân. Mong sớm tăng nặng mức xử lý vi phạm tương tự để người dân cảm thấy được an toàn mỗi khi tham gia giao thông".
- 'Giảm tiền phạt để tránh hàm oan người uống một ly rượu uống từ hôm trước'
- Sợ đến già sau một lần được oai khi lái ôtô đi nhậu
- Nhóm bạn nhậu chia tiền phạt nồng độ cồn 7 triệu đồng
- Bảo hiểm từ chối bồi thường vì nồng độ cồn lớn hơn 0
- 'Bị tước giấy phép lái xe 10 tháng vì ly rượu uống từ 15 tiếng trước'
- 'Nồng độ cồn bằng 0' khiến nhiều người chưa tâm phục
Đăng thảo luận