Đã thu về 1,3 tỷ USD, con cá tra Việt Nam tiếp tục đón thêm nhiều tin vui từ thị trường Mỹ. Tin vui nhất là sau hơn 20 năm vướng vào vụ kiện, nhà chức trách Mỹ xác định kết quả sơ bộ nhiều nhà xuất khẩu phi lê cá tra Việt không bán phá giá tại Mỹ.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 8 vừa qua, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 191 triệu USD, tăng 12% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra 8 tháng năm nay đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, ngoài thị trường Trung Quốc ghi nhận giảm nhẹ 2%, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường tiếp tục tăng trưởng 2 con số như: Mỹ, CPTPP, Brazil, Thái Lan, Colombia...
Riêng xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 8/2024 đạt hơn 35 triệu USD, tăng mạnh 40% so với tháng 8 năm trước. Tháng 8/2024 cũng ghi nhận giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ cao thứ 2 trong năm nay (sau tháng 4/2024 với hơn 37 triệu USD).
Luỹ kế 8 tháng năm nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 226 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra đang tăng trưởng rất tốt ở các thị trường. Ảnh: Phạm Hoàng GiámTheo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), sự hồi phục của thị trường Mỹ là đòn bẩy cho sự tăng trưởng xuất khẩu con cá tỷ USD của nước ta, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc không mấy lạc quan.
Không chỉ vậy, con cá tra Việt Nam còn liên tiếp đón tin vui từ Mỹ. Đơn cử, thông qua các chương trình mời thầu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), dự kiến quốc gia này vẫn tiếp tục có nhu cầu mua các loại cá thịt trắng như: cá tuyết, phi lê cá mú và các sản phẩm từ cá da trơn. Do đó, doanh nghiệp cá tra của nước ta có thêm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
VASEP cũng vừa thông tin, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ cuộc điều tra hành chính xem xét lại lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam cho giai đoạn từ ngày 1/8/2022 tới ngày 31/7/2023 (POR20).
DOC xác định kết quả sơ bộ, nhiều nhà xuất khẩu phi lê cá tra từ Việt Nam không có hành vi bán phá giá sản phẩm vào thị trường Mỹ. Do đó, 8 doanh nghiệp của Việt Nam sẽ không phải chịu bất kỳ khoản thuế chống bán phá giá nào.
Theo VASEP, do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường nên DOC sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam.
Trong đợt rà soát này, DOC lựa chọn Indonesia là quốc gia thay thế để tính biên độ phá giá cá tra. Bởi cơ quan này cho rằng Indonesia có kinh tế tương đồng với Việt Nam; sản xuất đáng kể hàng hóa tương tự với hàng hóa bị điều tra trong giai đoạn rà soát; Indonesia cung cấp số liệu có thể sử dụng và đáng tin cậy giúp DOC đánh giá các yếu tố sản xuất của Việt Nam.
DOC sẽ thông báo kết quả cuối cùng thuế CBPG 120 ngày kể từ ngày công bố kết quả sơ bộ.
Như vậy, dù chưa có kết quả cuối cùng nhưng đây có thể được xem là tin vui nhất của ngành cá tra Việt Nam sau 20 năm bị vướng vào vụ kiện bán phá giá tại Mỹ.
Hiện Việt Nam là quốc gia có sản lượng và xuất khẩu cá tra top đầu thế giới. Con cá thế mạnh này của nước ta đã chinh phục 140 thị trường, lập kỷ lục lịch sử khi kim ngạch xuất năm 2022 đạt 2,4 tỷ USD.
Với đà tăng trưởng xuất khẩu trong 8 tháng năm nay và dự đoán lạc quan sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 4 tháng cuối năm, mục tiêu 2 tỷ USD của ngành cá tra có thể về đích hoặc vượt, VASEP dự báo.
Thị trường lớn nhất phục hồi, thuỷ sản xuất khẩu có thể thu về 10 tỷ USDKhách hàng lớn nhất tăng mua, cùng với đó là nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường cho thấy xuất khẩu ngành thuỷ sản có thể thu về 10 tỷ USD trong năm nay.
Đăng thảo luận