Từ kinh nghiệm nhiều năm, tôi nhận thấy sự bất công, bên trọng bên khinh là một trong những đặc điểm của hệ thống gia đình "ái kỷ".

Điều này xảy ra một cách tự nhiên thông qua sự sắp đặt vị trí của các thành viên trong gia đình: Nâng những đứa con vàng lên bệ và dìm những đứa con ghẻ xuống hố, đặt người ái kỷ ở vị trí trung tâm với các quần thần vây xung quanh cùng sự tiếp tay của người cha mẹ còn lại. Tất cả các thành viên đều phải nhìn mặt người ái kỷ mà sống.

Nếu gia đình người ái kỷ có từ ba đứa con trở lên thì trong đó sẽ có ít nhất một đứa là con cưng, một đứa là con ghẻ và một đứa là đứa con vô hình. Nếu có hai người con, thì một đứa sẽ là con cưng và đứa còn lại là con ghẻ.

Nếu đó là đứa con duy nhất trong gia đình thì thông thường, đứa trẻ đó sẽ phải đảm nhận cùng một lúc cả ba vai: là con cưng khi cha mẹ cần để làm đẹp bộ mặt xã hội, là con ghẻ khi họ cần ai đó để đổ lỗi và là đứa con vô hình khi cha mẹ quá mải mê bận tâm về bản thân mà quên mất sự tồn tại của chúng.

Cuộc sống của chúng lên trầm xuống bổng bất chợt, không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Những người ái kỷ thường chiếm toàn bộ quyền lực và kiểm soát trong gia đình. Không ai được quyền đặt câu hỏi về bất cứ điều gì - bất kể điều đó bất bình thường, kỳ lạ hoặc khó chịu đến mức nào. Việc người khác thắc mắc về những điều không bình thường đồng nghĩa rằng họ đang làm suy yếu quyền lực của người nắm quyền. Trong mắt ái kỷ, việc bị đặt câu hỏi trở thành một mối đe dọa chứ không phải là điều bình thường.

Trong những gia đình này, việc bị đe dọa và thao túng tinh thần là chuyện bình thường. Những cảm xúc của bạn có thể sẽ được sử dụng để chống lại bạn. Tổn thương của người khác sẽ được ái kỷ khai thác triệt để nhằm gia tăng quyền lực và quyền kiểm soát.

Nếu đứa trẻ thổ lộ rằng chúng đang sợ hãi hoặc xấu hổ, thì điều này có thể được cha mẹ ái kỷ sử dụng để chống lại chúng. Sau đó chúng sẽ bị họ xúc phạm và nhận ra rằng ngay cả cha mẹ của mình cũng tàn nhẫn và không phải là nơi an toàn để chia sẻ những điều thầm kín.

Các thành viên sẽ luôn nhận được thông điệp "họ không bao giờ là đủ tốt". Khi một đứa trẻ không nhận được tình yêu thương vô điều kiện, chúng sẽ học được rằng tình yêu thương từ cha mẹ chỉ đến khi chúng xứng đáng.

Hệ thống gia đình ái kỷ liên tục gửi đi thông điệp rằng con cái không tương xứng với những gì chúng nhận được. Điều này làm giảm lòng tự trọng, sự tự tin và lòng trắc ẩn của chúng.

Chúng cũng có thể được dạy rằng chúng cần cha mẹ ái kỷ để đưa ra quyết định hoặc thậm chí là để tồn tại. Vì chúng nhận được bài học là, chúng sẽ chỉ gây rắc rối nếu không nghe lời cha mẹ hoặc không làm theo hướng dẫn của họ.

Trong những gia đình này, anh chị em và các thành viên khác thường đối đầu với nhau thông qua sự cạnh tranh không lành mạnh. Sự cạnh tranh này được củng cố bằng giao tiếp không lành mạnh, gây ra bởi những kích động ngầm của cha mẹ ái kỷ và cách sắp đặt vai trò của các thành viên trong gia đình.

Do đó, nhiều người sinh ra và lớn lên từ những gia đình ái kỷ phải vật lộn để phát triển các mối quan hệ và sự gắn bó với những người khác khi trưởng thành.

Không có ranh giới cá nhân lành mạnh của từng thành viên trong gia đình. Trong bất kỳ tổ chức lành mạnh nào, ranh giới cá nhân sẽ luôn được tôn trọng và khuyến khích, bao gồm những ranh giới về thể chất và tinh thần. Ví dụ: không chạm vào người khi chưa được đồng ý, không xâm phạm không gian cá nhân khi chưa được cho phép và không đề cập đến các chủ đề mà người kia thấy không thoải mái.

Tuy nhiên, trong một gia đình ái kỷ, có rất ít ranh giới lành mạnh. Các ranh giới cá nhân thường bị coi thường, thiếu sự riêng tư cho tất cả mọi người, trừ người ái kỷ. Điều này gây tổn hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Bởi vì nó sẽ khiến chúng nghĩ rằng ranh giới cá nhân của chúng không được mọi người tôn trọng và thế giới là một nơi không an toàn.

Việc không có ranh giới cá nhân lành mạnh cũng có thể gây ra sang chấn tâm lý thời thơ ấu và các vấn đề về sức khỏe tinh thần khác. Hơn nữa, nó có thể khiến chúng dễ bị người ngoài lợi dụng vì không biết cách đặt ranh giới.

Bí mật là một trong những nhân tố chính của hệ thống gia đình ái kỷ. Tất cả các thành viên đều phải giữ bí mật để duy trì hình ảnh lý tưởng trong mắt mọi người. Trong đó, bí mật lớn nhất đó là gia đình họ có nhiều điểm không bình thường. Điều này phải được che giấu bằng mọi giá. Sự lừa dối, thao túng và phủ nhận được củng cố bởi tất cả các thành viên trong gia đình.

Người ái kỷ thường bị ám ảnh với việc tạo ra và duy trì hình ảnh một "gia đình hoàn hảo". Mặc dù sự hoàn hảo là không thể đạt được và không thực tế, nhưng cái tôi giả dối phi logic của họ cần hình ảnh hoàn hảo này để thể hiện bản thân với thế giới bên ngoài. Bất kỳ sự không hoàn hảo nào thường được đổ lỗi cho một thành viên tội nghiệp nào đó bị chọn làm con dê tế thần (scapegoat).

Không chỉ thiếu giao tiếp và mất kết nối về tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, mà những thông tin được người ái kỷ truyền tải thường chứa đựng mâu thuẫn và châm chọc. Họ thường sử dụng cảm giác tội lỗi và xấu hổ để kiểm soát người khác, đồng thời liên tục ném ra sự khinh bỉ và phủ nhận cảm xúc của các thành viên còn lại.

Điều này tạo ra sự tức giận, ngờ vực, hiểu lầm và hỗn loạn, khiến các thành viên trong gia đình liên tục bị kích hoạt để chiến đấu chống lại nhau. Những mâu thuẫn sẽ không bao giờ có hồi kết, giúp duy trì và củng cố quyền lực của người ái kỷ trong gia đình. Tất cả các thành viên, kể cả người ái kỷ sẽ luôn cảm thấy không được tôn trọng và bị người khác coi thường.

Những người đã thoát khỏi hệ thống gia đình ái kỷ hiểu rất rõ rằng người lớn thường cư xử tồi tệ hơn trẻ em. Thông thường, trẻ con sẽ là người dễ phản ứng về mặt cảm xúc. Nhưng các bậc cha mẹ ái kỷ cũng sẽ cư xử giống như những đứa trẻ. Họ dường như không nhận thức được hành vi của bản thân và ít cảm thấy hối hận về hậu quả do những hành vi đó gây ra cho những người xung quanh.

Nguyễn Thị Thanh Thủy