Tập đoàn triển khai đồng bộ giải pháp biên lai điện tử (E-receipt), phần mềm chuyển đổi số văn phạm quy phạm quản lý nội bộ... trong quá trình bán hàng, quản lý.
Tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) đang triển khai đồng bộ giải pháp biên lai điện tử (E-receipt) đối với các giao dịch thanh toán qua máy POS tại hơn 2.700 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc. Biên lai điện tử thay thế cho biên lai giấy không chỉ giúp khách hàng thuận tiện trong việc lưu trữ, tra cứu thông tin giao dịch mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải.
"Áp dụng biên lai điện tử là bước tiến tiếp theo trong kế hoạch đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số của Petrolimex nhằm gia tăng tính tiện lợi và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng khi giao dịch", đại diện doanh nghiệp khẳng định.
Lãnh đạo Petrolimex và Incom trong buổi lễ vận hành phần mềm chuyển đổi số văn bản quy phạm quản lý nội bộ vào ngày 29/7, tại Hà Nội. Ảnh: Petrolimex
Cũng trong tháng 7, tập đoàn còn tổ chức lễ vận hành phần mềm chuyển đổi số văn bản quy phạm quản lý nội bộ do Công ty Cổ phần Truyền thông quốc tế Incom xây dựng và triển khai. Nằm trong chiến lược "Chuyển đổi số toàn diện của Petrolimex", phần mềm văn bản quản lý nội bộ này xác định mục tiêu trọng tâm là hệ thống hóa toàn bộ các văn bản nội bộ của tập đoàn đã được ban hành từ trước đến nay và đang còn hiệu lực thi hành. Theo đó, phầm mềm giúp tự động hóa các khâu xử lý nội dung văn bản quy phạm pháp luật (văn bản) phục vụ cho công tác tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật, các văn bản nội bộ của tập đoàn vào các chủ đề, đề mục, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời làm tăng hiệu quả, tính chính xác, kịp thời.
Ngoài việc tạo môi trường số để quản lý nội bộ, ứng dụng này còn rà soát, cập nhật tính tương thích của các văn bản nội bộ của tập đoàn so với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành để phân loại, xác định các quy định không còn phù hợp và kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung. Nhờ đó, nhân sự tại tập đoàn có công cụ tra cứu và sử dụng hệ thống văn bản nội bộ một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, việc ứng dụng số trong quản trị đã được doanh nghiệp xác định là trọng tâm đổi mới sáng tạo từ nhiều năm nay. Tháng 11/2012, Petrolimex trở thành doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu tiên triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt (POS) trên cơ sở áp dụng các công nghệ thanh toán hiện đại, tự động hóa cao, chấp nhận đồng thời thanh toán các loại thẻ như quốc tế (Visa, Master) qua POS, thẻ ngân hàng nội địa thuộc hệ thống Napas...
Hệ thống các cây xăng dầu của Petrolimex được áp dụng công nghệ trong quản lý và vận hành. Ảnh: Petrolimex
Từ năm 2013, tập đoàn là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên triển khai hệ thống lõi SAP-ERP, giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp, trên toàn hệ thống Petrolimex cho các phân hệ tài chính kế toán, kinh doanh bán hàng, quản trị... Giải pháp này này trở thành nền tảng vững chắc để triển khai thành công các ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, chuyển đổi số, dữ liệu lớn...của Petrolimex. Và năm 2018, tập đoàn bước đầu ứng dụng công nghệ, tự động hóa tại hệ thống kho, bể, cảng, tuyến ống, cửa hàng xăng dầu đã giảm thiểu tác động từ con người, nâng cao năng suất, hiệu quả.
Đây cũng là một trong số ít doanh nghiệp Nhà nước ban hành "Chiến lược Chuyển đổi số tập đoàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Chiến lược chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ giúp tập đoàn đạt mục tiêu trở thành tập đoàn năng lượng số, nâng cao hiệu quả quản trị điều hành kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh bằng các nền tảng, con người và văn hóa số.
"Tập đoàn xác định tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược phát triển tổng thể đến năm 2025, tầm nhìn 2035 là chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng xanh, trong đó không ngừng gia tăng giá trị Petrolimex. Đồng thời, doanh nghiệp góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hài hòa lợi ích giữa khách hàng, Petrolimex và Nhà nước; trở thành tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường", đại diện tập đoàn cho biết.
Như Ý
Đăng thảo luận