Công khai người bỏ cọc đất chỉ là giải pháp phần ngọn, vì 'cò đất' hoạt động theo hội nhóm, không thiếu người dự đấu giá các đợt sau.

"Công khai người bỏ cọc đấu giá đất chỉ là xử lý phần ngọn và nó cứ sẽ tồn tại. Có khi họ lại càng nổi tiếng và làm ăn càng phát đạt hơn. Vấn đề ở đây là cần xử lý theo pháp luật và các quy định. Đó là phạt tiền và cấm người bỏ cọc đấu thầu đất công trong 10 năm tiếp theo.

Ngoài ra, cốt lõi xử lý triệt để là cần đánh thuế bất động sản thứ hai thật cao và thu theo hàng năm. Ngoài ra, người trúng đấu giá phải vào tên chính chủ bìa đỏ sau một tuần và quy định chỉ được bán sau ba năm. Đồng thời, thu thuế mua bán nhà nghiêm minh, thu thuế mua bán theo đúng quy định mới đem lại hiệu quả.

Chỉ như vậy thì ai thực sự có nhu cầu mới đấu giá mua đất, còn không thì sẽ không dám ôm đất bởi không gánh nổi tiền thuế đất hàng năm. Như ở Mỹ, không ai dám ôm bất động sản nên nhà 0 đồng đầy rẫy (vì nợ thuế nên bị thu hồi và ai mua giá 0 đồng sẽ phải trả phần thuế bị nợ đó, có nghĩa tiền thuế đất rất cao)".

Đó là quan điểm của độc giả Lê Hoàng trước đề xuất "Công khai người bỏ cọc đấu giá để tránh trục lợi" vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ra tại hội nghị trực tuyến về Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản. Thực tế, một số người tham gia đấu giá đất không có nhu cầu thực và đẩy, thổi giá cao rồi bán lại ngay, để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo với các khu vực xung quanh. Thậm chí, sau khi đấu giá, họ không nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn, có dấu hiệu bỏ cọc gây dư luận không tốt.

Đồng quan điểm cho rằng việc công khai người bỏ cọc đấu giá đất không thể giải quyết tận gốc vấn đề, bạn đọc Anh Hai phân tích: "'Cò đất' thường dùng chiêu đấu thầu giá cao rồi bán lại cho thành viên cùng hùn vốn để lừa người khác, tạo mặt bằng giá cao ảo để bán nhà đất khu vực lân cận Kể cả có công khai hoặc thậm chí cấm người đã bỏ cọc trước đây thì họ vẫn không thiếu đội nhóm dự đấu thầu các đợt sau.

Tôi cho rằng, Luật Đất đai cần quy định những người đứng tên trong sổ đỏ từ hai bất động sản trở lên không được tham gia đấu thầu các bất động sản mới. Đồng thời, cần đánh thuế cao người sở hữu từ hai bất động sản trở lên. Thêm vào đó, quy định người trúng đấu giá đất phải chờ ít nhất 5 năm mới được sang nhượng sẽ góp phần giảm được rất nhiều tiêu cực trong đấu giá bất động sản".

>> 80% bỏ cọc đấu giá đất ở Thanh Oai, Hà Nội

Làm gì để ngăn chặn hiện tượng bỏ cọc đấu giá đất? Độc giả Phạm Quang Trung bình luận: "Theo tôi, chỉ cần ba giải pháp đồng bộ sau:

1. Tính toán tăng mức cọc lên để phù hợp với từng địa phương.

2. Thêm quy định cá nhân nếu trúng đấu giá mà bỏ cọc sẽ bị cấm đấu giá trên toàn quốc trong 5 năm. Ngoài ra, nên cân nhắc đánh tụt điểm tín dụng của cá nhân đó.

3. Đất trúng đấu giá nếu sang nhượng sẽ bị tính thuế theo mốc thời gian lũy tiến: sang nhượng trong vòng một năm sau khi trúng đấu giá bị áp thuế 30%, dưới ba năm bị áp thuế 20%, dưới 5 năm bị áp thuế 10%, sau 5 năm áp thuế theo quy định hiện hành.

Với bộ ba giải pháp như vậy, tôi tin những người luật sẽ giúp được những người có nhu cầu mua nhà thật sự, và loại bỏ được đám 'cò đất' đầu cơ".

Đóng góp giải pháp ngăn chặn trục lợi từ đấu giá đất, bạn đọc Chuxuanthuc bổ sung thêm: "Để hạn chế việc tham gia đấu giá nhằm trục lợi, theo tôi cần:

1. Yêu cầu người trúng đấu giá chứng minh tài sản đảm bảo có khả năng thanh toán sau khi đặt cọc.

2. Mỗi người chỉ được tham gia đấu giá đất thành công tối đa ba lần trong vòng 5 năm (chỉ tính trúng đấu giá).

3. Tăng mức cọc lên 40% giá khởi điểm, đồng thời yêu cầu người trúng đấu giá bổ sung cọc khi hoàn tất phiên đấu giá, đảm bảo đóng 40% giá trúng, phần còn lại hoàn tất trong 30 ngày.

4. Đất đấu trúng giá phải cam kết xây dựng tối thiểu mới được cấp sổ đỏ, không được phép chuyển nhượng trong vòng 12 tháng sau khi cấp sổ.

5. Đình chỉ kết quả phiên đấu giá khi 30% số lượng các lô đất đấu giá vượt 300% giá khởi điểm; thanh tra để định giá lại mức khởi điểm và dấu hiệu trục lợi".

Việt Thành tổng hợp