Ngày Thành phố Thế giới, được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm, là sự kiện quốc tế quan trọng do Liên Hợp Quốc khởi xướng từ năm 2013 và chính thức tổ chức lần đầu vào năm 2014.

Là di sản từ sự kiện Expo 2010 được tổ chức ở Thượng Hải (Trung Quốc), Ngày Thành phố Thế giới gắn liền với Mục tiêu Phát triển Bền vững 11 của Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh vai trò quan trọng của phát triển các thành phố trở nên "hòa nhập, an toàn, kiên cường và bền vững". 

Sự kiện có mục tiêu thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với quá trình phát triển đô thị bền vững trên toàn cầu, cũng như đã giải quyết các trở ngại quan trọng mà các thành phố ở mỗi quốc gia phải đối mặt.

Tầm quan trọng và thách thức của các thành phố trên thế giới

Thành phố chính là "trái tim" của mọi quốc gia, là thành tựu của nền văn minh Trái Đất thời hiện đại. Mỗi quốc gia trên hành tinh chúng ta đều có ít nhất 1 đến 2 thành phố đóng vai trò ;à trung tâm của tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa ... từ đó đóng vai trò quyết định đối với sự tăng trưởng của toàn bộ quốc gia.

Hiện nay, thế giới có khoảng với 4.416 thành phố trên thế giới, là nơi gần 1 tỷ cư dân sinh sống và làm việc. Theo các dự đoán của Chương trình Định cư Con người của Liên Hợp Quốc, sẽ có gần 70% dân số thế giới sống ở các thành phố vào năm 2050.

Xu thế đô thị hóa hiện nay đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, và đang chuyển đổi dần dần thế giới hiện đại thành một "ngôi làng toàn cầu" rộng lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc cuộc sống tại môi trường đô thị sẽ chính là tương lai của nhân loại. 

Có thể bạn chưa biết: thế giới có ngày dành riêng cho các thành phố  第1张 Theo các dự đoán của Chương trình Định cư Con người của Liên Hợp Quốc, sẽ có gần 70% dân số thế giới sống ở các thành phố vào năm 2050. Ảnh: Uforest

Tuy nhiên, các đô thị cũng phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tăng trưởng dân số nhanh chóng. Dù đã đạt được nhiều tiến bộ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, nhiều thành phố, đặc biệt ở khu vực Nam bán cầu, vẫn phải đối mặt với những thách thức về đói nghèo, bất bình đẳng và suy thoái môi trường.

Dựa trên dữ liệu được phân tích từ 520 thành phố, các nhà nghiên cứu về khí hậu tại Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ cảnh báo đến khoảng năm 2050, sẽ có hơn 20% số thành phố lớn trên thế giới đối mặt với các điều kiện thời tiết cực đoan chưa từng thấy do nhiệt độ Trái Đất gia tăng. Đáng chú ý, có tới 64% trong số này là các thành phố nằm ở vùng nhiệt đới.

Chính vì lẽ đó, Ngày Thành phố Thế giới được lập ra với mục tiêu thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với quá trình đô thị hóa toàn cầu, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong việc nắm bắt các cơ hội và giải quyết các thách thức của quá trình đô thị hóa, đồng thời góp phần phát triển đô thị bền vững trên toàn thế giới.  

"Các thành phố không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế mà còn là tuyến đầu của những thách thức cấp bách nhất thế giới", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres từng nêu rõ trong thông điệp nhân ngày Thành phố Thế giới năm 2023, "Từ khủng hoảng khí hậu đến bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng và phân cực chính trị, các thành phố thấy mình đang phải vật lộn với vô số vấn đề phức tạp".

"Chính vì thế, Ngày Thành phố Thế giới là thời điểm để chúng ta xem xét vai trò then chốt của các thành phố đối với sự phát triển bền vững”, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh.

Ngày thành phố thế giới 2024 với chủ đề hướng tới giới trẻ

Chủ đề chung của Ngày Thành phố Thế giới là "Thành phố tốt hơn, Cuộc sống tốt hơn". Tuy nhiên, mỗi năm sẽ có một chủ đề phụ khác nhau được chọn, để thúc đẩy những thành tựu của quá trình đô thị hóa hoặc giải quyết những thách thức cụ thể do quá trình đô thị hóa gây ra.

Năm 2024, Ngày Thành phố Thế giới mang chủ đề phụ là "Những người thay đổi khí hậu trẻ tuổi: Thúc đẩy hành động địa phương vì sự bền vững của đô thị". Chủ đề này nhấn mạnh vai trò then chốt của thế hệ trẻ trong việc giải quyết các thách thức đô thị, đặc biệt là những thách thức về khí hậu

Có thể bạn chưa biết: thế giới có ngày dành riêng cho các thành phố  第2张 Chủ đề của Ngày Thành phố Thế giới 2024 nhấn mạnh vai trò then chốt của thế hệ trẻ trong việc giải quyết các thách thức đô thị, đặc biệt là những thách thức về khí hậu. Hình: Liên Hợp Quốc

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đến năm 2030, khoảng 60% cư dân thành thị sẽ là người dưới 18 tuổi. Điều đó cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của thanh niên trong việc định hình tương lai đô thị.

"Từ các phong trào cơ sở đến các phòng thí nghiệm đổi mới, những người trẻ đang đi đầu trong việc thúc đẩy những sáng kiến khí hậu đầy tham vọng", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết trong thông điệp nhân Ngày Thành phố Thế giới 2024. "Họ (người trẻ) ủng hộ việc tích hợp năng lượng tái tạo, phát triển việc làm xanh, xây dựng hệ thống giao thông công cộng sạch và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ... góp phần hình thành các thành phố bền vững, nơi mọi người đều có thể phát triển".

Những nỗ lực trên hướng tới sứ mệnh xây dựng các thành phố không chỉ bền vững và kiên cường mà còn đáp ứng được nhu cầu đa dạng của mọi cư dân. Do đó, Tổng thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh phải khuếch trương tiếng nói của giới trẻ, đầu tư vào ý tưởng của họ và thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của họ vào quá trình ra quyết định về phát triển đô thị.

"Bằng cách trao quyền cho những người trẻ tuổi, chúng ta có thể đẩy nhanh hành động vì khí hậu và thúc đẩy tiến trình toàn cầu hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững", người đứng đầu Liên Hợp Quốc nêu rõ.

Ngày Thành phố Thế giới 2024 không chỉ là dịp để tôn vinh sức mạnh của tuổi trẻ trong việc xây dựng những thành phố xanh, kiên cường và toàn diện, mà còn là cơ hội để khẳng định cam kết của cộng đồng quốc tế trong việc tạo dựng một tương lai đô thị bền vững cho các thế hệ mai sau.