Đi làm thêm không hợp đồng, bị 'bùng' lương, Ngọc Hân đăng bài lên mạng xã hội để được nhận lời khuyên nhưng công ty cũ dọa kiện, gửi giấy về trường yêu cầu kỷ luật.
Ngọc Hân, 21 tuổi, sinh viên năm cuối một trường đại học tại Hà Nội cho hay vào làm nhân viên truyền thông tại một công ty cách đây 3 tháng, thỏa thuận mức lương tháng 4 triệu đồng song không có hợp đồng.
Cuối tháng 9, Hân được quản lý cho thôi việc do công ty đã thừa người, trong khi chưa nhận được tiền lương của hai tháng qua. Nhiều lần liên lạc để yêu cầu trả lương không thành, Hân cho hay được quản lý trả lời "chưa có hợp đồng, không có căn cứ trả lương".
"Em thấy ấm ức và bất lực quá nên vào một nhóm Facebook dành cho những người chia sẻ chuyện đi làm và kể về quá trình mà mình làm việc bị "bùng" lương, đăng kèm theo hình ảnh nơi làm việc, nhưng đã che thông tin, tên công ty", Hân kể và cho hay mục đích đăng bài là để được các thành viên truyền kinh nghiệp, hoặc hướng dẫn cách lấy lại tiền.
Nhân viên một nhà hàng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) dọn dẹp bàn ghế. Ảnh: Giang Huy
Hân cho hay, sau đó bị công ty cũ tố cáo ra cơ quan chức năng, về hành vi sử dụng hình ảnh trái phép, vu khống. "Họ còn đến trường em đang học và làm đơn tố cáo em tiếp, buộc nhà trường phải kỷ luật em", Hân nói.
Nam sinh viên thắc mắc: "Có thể làm đơn tố cáo lại công ty không trả lương không? Em có thể bị trường kỷ luật vì có đơn tố cáo và liệu có bị pháp luật xử lý gì không?".
Hân xin được mọi người cho lời khuyên.
Giải đáp thắc mắc của Hân và nhiều sinh viên cùng "cảnh ngộ", luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội cho hay, Điều 13 và 14 Bộ luật lao động 2019, có quy định về Hợp đồng lao động và Hình thức của hợp đồng lao động. Theo đó, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 1 tháng, thì ngay cả khi bạn không có hợp đồng bằng văn bản, đôi bên vẫn tồn tại một quan hệ lao động, bạn vẫn có quyền được trả công nếu bạn đã thực hiện công việc cho công ty, luật sư nêu.
Về việc trả lương, tại Điều 94 Bộ luật này quy định, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.
Nếu bạn chứng minh được bạn không sai phạm gì với công ty thì theo Điều 99, Bộ luật Lao động, trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau: Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Như vậy, theo luật sư, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu người sử dụng lao động trả lương bằng cách khiếu nại đến phòng Lao động Thương binh và Xã hội nơi công ty đóng trụ sở hoặc khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Việc bạn đăng bài vào group trên mạng xã hội, kể về quá trình mà mình làm việc, kèm theo hình ảnh nơi làm việc, nhưng đã che thông tin, tên công ty thì nếu hình ảnh không rõ ràng đối tượng cụ thể, khả năng vi phạm quyền sử dụng hình ảnh sẽ giảm.
Nếu hình ảnh có thể dễ dàng nhận diện công ty thông qua các yếu tố khác, thì bạn vẫn có khả năng vi phạm và công ty có thể sẽ yêu cầu bạn bồi thường nếu gây thiệt hại. Thêm nữa, bạn chỉ đăng tải thông tin đúng sự thật và không có ý bịa đặt thì không cấu thành tội Vu khống, theo điều 156 Bộ Luật hình sự 2015.
Về việc bạn bị công ty này tố cáo lên nhà trường nơi bạn đang học với nội dung bạn sử dụng hình ảnh trái phép và vu khống công ty, yêu cầu nhà trường xử lý kỷ luật bạn thì nhà trường sẽ xem xét kỹ sự việc, tiếp cận sự thật rồi mới quyết định.
Việc bạn có bị xử lý kỷ luật không phụ thuộc vào quy chế của nhà trường và các quy định pháp luật liên quan.
Theo Điều 6 và Điều 9 Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT ngày 05/04/2016 thì nếu công ty tố cáo hành vi của bạn là có thật và vi phạm các quy định đạo đức hoặc pháp luật, nhà trường có thể xem xét và xử lý kỷ luật theo quy định.
Ngược lại nếu hành vi của bạn không vi phạm pháp luật, cụ thể là đã che thông tin công ty, và đăng nội dung đúng sự thật, không làm tổn hại đến uy tín của trường thì trường không có căn cứ để xử phạt sinh viên, luật sư nêu.
Hải Thư
Đăng thảo luận