Việc sát hại các nhà lãnh đạo Hamas và các phong trào kháng chiến Palestine khác không chấm dứt được xung đột Israel - Palestine.

Cục diện Trung Đông sau khi ông Sinwar bị giết: căng thẳng và xung đột gia tăng?  第1张

Cậu bé Palestine cầm chân dung của thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, vừa bị Israel tuyên bố giết chết, trong một cuộc tuần hành ở thành phố Ramallah, Bờ Tây vào ngày 18-10 - Ảnh: AFP

Ngày 17-10, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã xác nhận sau một năm truy đuổi kéo dài, các binh sĩ IDF thuộc lữ đoàn 828 đã giết chết thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar một ngày trước đó trong một cuộc tấn công vào phía nam Dải Gaza.

Yahya Sinwar là ai?

Trước đây, ông Sinwar đã từng bị giam giữ trong nhà tù của Israel 22 năm và được trả tự do vào tháng 10-2011 theo một thỏa thuận trao đổi tù binh với Israel. Sau khi trở về Gaza, ông tiếp tục đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của Hamas chống Israel.

Sinwar là một trong những kiến trúc sư cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7-10-2023 và Tel Aviv đã truy lùng tìm diệt ông từ nhiều tháng nay. Ông được bầu làm người đứng đầu Văn phòng chính trị của phong trào Hamas sau khi người tiền nhiệm Ismail Haniyeh bị Israel ám sát ngày 31-7 tại Tehran.

Ông Sinwar đóng một vai trò quan trọng trong cánh quân sự của Hamas và là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong cuộc chiến chống Israel.

  • Cục diện Trung Đông sau khi ông Sinwar bị giết: căng thẳng và xung đột gia tăng?  第2张

    Hamas xác nhận thủ lĩnh Sinwar đã chếtĐỌC NGAY

Hamas là tên viết tắt của Phong trào kháng chiến Hồi giáo. Hamas không chỉ là một lực lượng quân sự mà còn là một tổ chức chính trị có hệ tư tưởng riêng được nhiều nước Ả Rập, các nước Hồi giáo và nhiều nước khác ủng hộ.

Liên Hiệp Quốc, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước, trong đó có cả những nước trong Liên minh châu Âu (EU) không coi Hamas là tổ chức khủng bố. Hamas còn là cả một chính quyền giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tự do ở Dải Gaza năm 2006.

Hiến chương về những nguyên tắc, chính sách chung của Phong trào Hamas thông qua ngày 1-5-2017 coi việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập bên trong đường biên giới ngày 4-6-1967 với thủ đô là Jerusalem.

Hamas khẳng định "không có sự nhượng bộ nào đối với bất kỳ phần đất nào của Palestine và thánh đường Al-Aqsa là của người Ả Rập Palestine". Khác với Fatah đấu tranh bằng các biện pháp chính trị, ngại giao, Hamas chủ trương đấu tranh vũ trang.

Không giúp kết thúc chiến tranh

Việc sát hại Yahya Sinwar là một đòn mạnh giáng vào Hamas, nhưng không tiêu diệt được phong trào này mà sẽ chỉ làm cho căng thẳng leo thang, đẩy cuộc xung đột gia tăng và lan rộng hơn ra toàn bộ khu vực Trung Đông vốn đang đứng trước bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện. Những hành động này thường dẫn đến sự trả thù của Hamas và các tổ chức kháng chiến Palestine khác.

Ngay sau khi Sinwar bị giết, Khaled Meshal, một nhân vật có đường lối cứng rắn, đã lên thay trở thành thủ lĩnh của phong trào. Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, các nhóm vũ trang ở Iraq, Syria và nhiều tổ chức kháng chiến Hồi giáo khác đã tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ trong những ngày tới. Iran cho biết việc sát hại Sinwar sẽ củng cố và nâng cao "tinh thần kháng cự" chống lại Israel.

Trong khi đó, việc sát hại thủ lĩnh số 1 của Hezbollah Hassan Naserallah ở Lebanon đã không dập tắt được các cuộc tấn công của phong trào này vào lãnh thổ Israel.

  • Khoảnh khắc cuối của thủ lĩnh Hamas trước khi bị tiêu diệt

  • Nhìn lại một năm xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza

  • Israel, Hamas và Iran: Những lựa chọn sai lầm

Sau khi Hassan Naserallah bị giết vào ngày 13-10-2024, Hezbollah đã bắn hàng loạt tên lửa và máy bay không người lái vào căn cứ quân sự Binyamina của Israel nằm ở phía bắc Tel Aviv làm 4 binh sĩ thiệt mạng và 61 người khác bị thương.

Ngoài ra, cần nhớ việc giết hại Khali Al- Wazir (Abu Jihad), một trong những người sáng lập phong trào Fatah (một bộ phận quan trọng của PLO) năm 1988 và cái chết của lãnh tụ Palestine Yasser Arafat năm 2004 cũng không làm sụp đổ được Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Thời gian tới, Israel sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động chống lại Hamas, tìm diệt các nhà lãnh đạo của phong trào này và các tổ chức Palestine khác nhằm thực hiện các mục tiêu của mình. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược dài hạn để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, những hành động như vậy có thể chỉ dẫn đến những chiến thắng ngắn hạn mà không giải quyết được vấn đề cốt lõi.

Việc tìm diệt các nhà lãnh đạo Palestine không thể kết thúc chiến tranh và giải quyết được cuộc xung đột Israel - Palestine kéo dài 76 năm nay. Xung đột giữa Israel và Palestine có nguồn gốc sâu xa và có nhiều nguyên nhân, trong đó có tranh chấp lãnh thổ, vấn đề độc lập và quyền tự quyết. Hamas tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh đến cùng để đạt được mục tiêu là thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem.

Giải pháp duy nhất là trước mắt Israel phải trở lại bàn đàm phán dưới sự trung gian hòa giải của Qatar, Ai Cập và Mỹ để đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi những người bị giam giữ với Hamas, thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chấm dứt chiến sự, rút quân khỏi Gaza.

Về lâu dài cuộc xung đột Israel - Palestine phải được giải quyết trên cơ sở giải pháp hai nhà nước được Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế ủng hộ. Chừng nào người Palestine chưa có nhà nước của mình thì xung đột vẫn còn tiếp diễn, an ninh của Israel sẽ không được đảm bảo.

Israel đã giết nhiều lãnh đạo Hamas

Việc thủ tiêu các nhà lãnh đạo Hamas là nằm trong kế hoạch của Israel. Kể từ khi Hamas thành lập năm 1987 đến nay, Israel đã giết hại nhiều nhà lãnh đạo của phong trào này, trong đó có Sheikh Ahmed Yassin và Abdel Aziz Al-Rantisi - những người sáng lập Hamas - vào năm 2004.

Còn ông Ismail Haniyeh - người đứng đầu Văn phòng chính trị của Hamas - bị giết tại Tehran (Iran) vào hôm 31-7-2024.