Kỳ thi học sinh giỏi THCS không còn môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa độc lập, các tỉnh thành phải tìm cách giải bài toán vừa đáp ứng yêu cầu tích hợp vừa đảm bảo độ chuyên sâu.

Chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành năm 2018) ở bậc THCS có hai môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Năm nay, chương trình triển khai tới lớp 9 - lớp mà học sinh tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành.

Các địa phương thường chọn cách kết hợp nội dung tích hợp (chiếm 20-40%) với phần đơn môn, để học sinh có kiến thức sâu, phù hợp định hướng thi trường chuyên.

Trong hướng dẫn ngày 24/9 về thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang "chốt" phương án tổ chức thi 7 môn Toán, Văn, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học với bậc THCS; không còn các môn lẻ như trước.

Trong đó, môn Khoa học tự nhiên gồm ba bài thi ứng với nội dung chủ yếu thuộc các phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Môn tích hợp còn lại gồm hai bài lĩnh vực Lịch sử, Địa lý.

Học sinh đăng ký một trong các bài đơn môn để dự thi. Mỗi bài gồm phần bắt buộc (kiến thức tích hợp, chiếm khoảng 20%) và tự chọn (nội dung đơn môn nâng cao, 80%). Phần bắt buộc thi trắc nghiệm, tự chọn thi tự luận, điểm tối đa 20.

Kỳ thi học sinh giỏi THCS của Khánh Hòa cũng chia môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thành hai phần bắt buộc (chiếm 60%) và tự chọn (40%), tương ứng với nội dung tích hợp và đơn môn chuyên sâu. Đây cũng là cách làm của nhiều tỉnh, thành khác như TP HCM, Bình Phước, Quảng Nam, Nghệ An, nhưng tỷ lệ giữa các phần và hình thức câu hỏi, đề thi có sự khác biệt.

Cũng cho học sinh lựa chọn, song tỉnh Vĩnh Phúc không chia môn tích hợp thành các phần. Thay vào đó, học sinh được chọn luôn môn thi thành phần như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Chọn môn nào, các em sẽ làm đề với tất cả nội dung liên quan môn đó, tương tự đơn môn như trước.

Hải Phòng là một trong số ít địa phương tổ chức thi môn Khoa học tự nhiên với kiến thức tích hợp hoàn toàn, không có các phần tập trung vào một đơn môn cho học sinh chọn.

Thành phố đã công bố đề minh họa vào cuối tháng 7. Theo đó, đề thi Khoa học tự nhiên có ba phần, ứng với ba dạng bài trắc nghiệm nhiều phương án, lựa chọn đúng sai và trả lời ngắn. Đề thi môn Lịch sử và Địa lý cũng dạng trắc nghiệm, nhưng được chia thành hai phần kiến thức đơn môn.

'Giải bài toán' thi học sinh giỏi môn tích hợp  第1张

Học sinh tại TP HCM trước giờ thi vào lớp 10 năm 2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Lý giải những điều chỉnh này, các tỉnh, thành cho biết đề thi được thiết kế để phù hợp với chương trình mới cũng như các điều kiện thực tế về nhân lực, cơ sở vật chất ở địa phương.

Theo ông Trịnh Văn Mừng, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, kỳ thi hướng tới hai mục tiêu chính là đánh giá công tác giáo dục mũi nhọn, tạo nguồn học sinh giỏi cho trường THPT chuyên. Vì vậy, đề thi của tỉnh được thiết kế để đáp ứng hài hòa hai mục tiêu này, thể hiện bằng việc vẫn chia theo nội dung đơn môn.

Ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa, và ông Ngô Văn Nhiệm, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, cũng nhìn nhận rằng dù chương trình có môn tích hợp, việc thi học sinh giỏi vẫn cần có phần đơn môn chuyên sâu.

Cả hai dẫn chứng bằng việc học sinh vẫn được chọn tổ hợp môn theo định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT, riêng trường chuyên vẫn tổ chức lớp theo từng môn chuyên.

Ngoài ra theo ông Quỳnh, nhiều địa phương thiếu giáo viên tích hợp, hầu hết vẫn là thầy cô dạy đơn môn trước kia được bồi dưỡng, tập huấn thêm. Do đó, đề thi học sinh giỏi theo môn sẽ thuận tiện cho giáo viên trong quá trình chấm bài.

"Ngành giáo dục các cấp bàn bạc kỹ và đồng thuận với phương án này, cho rằng đây là cách làm phù hợp nhất với điều kiện hiện tại", ông Quỳnh nói.

Dù kế hoạch, cấu trúc đề thi học sinh giỏi khác nhau, đại diện ngành giáo dục các tỉnh, thành cho rằng không cần lo ngại về vấn đề chất lượng hay sự công bằng.

Ông Đỗ Hữu Quỳnh giải thích kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS là phong trào riêng của mỗi địa phương. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả thi này không được sử dụng để cộng điểm hay ưu tiên xét tuyển trong kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập.

"Kỳ thi diễn ra và tác động trong phạm vi địa phương, nhằm tạo phong trào, sân chơi cho học sinh, qua đó phát triển giáo dục mũi nhọn. Kết quả cuộc thi không ảnh hưởng tới nơi khác", ông Quỳnh nói.

Ông Trịnh Văn Mừng cho rằng ngay cả khi chương trình mới chưa được áp dụng, mỗi địa phương vẫn chủ động kế hoạch thi học sinh giỏi THCS. Điểm chung phổ biến là số lượng môn thi (như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý đều tách riêng), còn hình thức, cấu trúc đề, nội dung, mức độ... vẫn có sự khác biệt.

"Học sinh mỗi nơi có phẩm chất, năng lực khác nhau; mục tiêu, điều kiện cơ sở vật chất, văn hóa cũng khác biệt. Quy mô thi học sinh giỏi THCS nên để địa phương tự chủ", ông Mừng bày tỏ.

Hầu hết tỉnh, thành sẽ tổ chức kỳ thi này vào cuối học kỳ I. Thời gian này, các địa phương đang xây dựng đề và ngân hàng câu hỏi. Học sinh sẽ được tập dượt, làm quen với dạng đề qua các cuộc thi cấp trường và quận, huyện trước. Những em đủ điều kiện sẽ tham gia kỳ thi cấp tỉnh.

Thanh Hằng