Cứ bốn người thuộc thế hệ Millennials sẽ có một người sẵn sàng chi 3.000 USD cho kỳ nghỉ, con số cao gấp ba lần mức lương trung bình ở châu Á.

YC Tan, 34 tuổi và sống tại Singapore, là người bận rộn, hầu như không có thời gian cho bản thân ngoài lúc tập thể dục. Mỗi năm một lần, Tan sẽ có một chuyến du lịch xa xỉ ở nước ngoài như cách tự thưởng cho mình. Gần đây nhất, cô chọn Bhutan và lưu trú trong khu nghỉ dưỡng của Aman. Sau năm ngày tận hưởng, Tan tiêu sạch tiền lương tháng và vẫn tự nhận xét "đó là trải nghiệm may mắn".

"Khi ở Singapore, tôi đắn đo cho cốc cà phê 5 SGD nhưng phóng tay khi đi nước ngoài", cô nói.

Cuộc khảo sát năm 2023 của nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Klook tại châu Á chỉ ra cứ bốn người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1980 đến năm 1996) sẵn sàng chi 3.000 USD cho kỳ nghỉ tiếp theo - con số cao gấp ba lần mức lương trung bình ở châu Á.

Thế hệ Z, những người mới bắt đầu sự nghiệp cũng có chung quan điểm về cách chi tiêu cho du lịch. Gen Z chi tiêu nhiều nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc và Singapore. Manda Foo, nhà thiết kế du lịch hạng sang của Blue Sky Escapes, nói họ đang hướng đến những khách hàng trẻ tuổi với thói quen du lịch lạ hơn.

Giới trẻ châu Á đi du lịch xa xỉ thế nào  第1张

Tan trải nghiệm tự làm đồ ăn địa phương khi ở Bhutan. Ảnh: CNA

"Họ coi trọng trải nghiệm du lịch như cách bạn chi gấp 2-3 lần tiền lương cho tuần trăng mật, hay thậm chí còn nhiều hơn cho đám cưới", Foo nói, nhấn mạnh nhóm khách trẻ không coi chuyến đi chỉ là một kỳ nghỉ như cách thế hệ trước đi du lịch.

Trước kia, khách du lịch sẽ đi 12 quốc gia trong 12 ngày, nay, giới trẻ có thể dành 6 ngày chỉ để đi hai nơi. Họ muốn hiểu hơn về văn hóa địa phương, những thứ không thể thấy nếu chỉ tham quan chóng vánh.

Trong chuyến đi Bhutan, Tan tham gia nhiều hoạt động do resort tổ chức như đi bộ đường dài qua các ngôi làng, dừng chân ở nhà người địa phương. Cô đã học được cách sống vốn bị lãng quên trong thế giới hối hả; hiểu được sự ấm áp khi một người lạ mời vào nhà; học các công thức nấu ăn truyền theo nhiều thế hệ.

"Các hoạt động của khách sạn mang tính địa phương, chân thật và không phải thứ có thể đọc trong sách", cô nói.

Với thế hệ Millennials, thế giới như lớp học. Họ là thế hệ có trình độ học vấn cao nhất thế giới - 25% trung học hoặc cao hơn và du lịch như một cách làm giàu trí tuệ. Radit Mahindro, Giám đốc tiếp thị khu vực cấp cao của Aman Indonesia, cho biết các vị khách thế hệ này đặt câu hỏi về mọi thứ, từ việc kinh doanh, ai đang nấu thức ăn tới các chuẩn mực đạo đức, bền vững.

Do đó, họ phải thiết kế các hoạt động thu hút sự tò mò của thế hệ này - một trong số đó là ẩm thực. Ví dụ, du khách có thể yêu cầu đầu bếp đưa họ đến các trang trại cung cấp nguồn thực phẩm cho khu nghỉ dưỡng tại Amandari ở Bali.

Ở phía đông Bali, tại Amankila, Aman sẽ sớm bổ sung trải nghiệm ẩm thực lấy cảm hứng từ hoàng gia Karangasem - những người từng cai trị Bali. Trải nghiệm gồm chuyến tham quan cung điện có hướng dẫn viên, sau đó là bữa tối với thực đơn lấy cảm hứng từ các món ăn yêu thích và nghi lễ ăn uống của cố quốc vương. Thông qua hoạt động này, du khách có thể khám phá một khía cạnh khác của Bali thay vì hình ảnh những câu lạc bộ bãi biển, quán ăn sáng quen thuộc.

Tính đến năm 2023, khoảng hơn 30% khách tại Aman Indonesia có độ tuổi từ 28 đến 36 tuổi. Trước kia, các khu nghỉ dưỡng của họ thường chỉ đón những CEO, tỷ phú còn giờ khách hàng ngày càng trẻ và tràn đầy háo hức khám phá trải nghiệm mới.

Giới trẻ châu Á đi du lịch xa xỉ thế nào  第2张

Một góc khu nghỉ dưỡng của Aman ở Indonesia. Ảnh: Telegraph

Thế hệ Millennials hiện đông đảo nhất thế giới khi chiếm 43% dân số, tiếp đến là thế hệ Z. Theo báo cáo năm 2023 của Văn phòng Đầu tư tài chính ngân hàng Singapore, hàng nghìn tỷ USD sẽ sớm được chuyển vào tay thế hệ Millennials thông qua việc thừa kế tài sản từ đời trước. Chuyên gia của văn phòng này nhận xét các đơn vị trong ngành dịch vụ du lịch từ hàng không đến khách sạn, lữ hành phải cùng nhau phát triển để khai thác sức mua khổng lồ của nhóm Millennials.

Jerome Pichon, đại diện One&Only Desaru Coast, khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Malaysia, cho biết nhóm khách trẻ có nhu cầu cao về những hành trình du lịch được thiết kế riêng - bao gồm tham quan, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lẫn các hoạt động phiêu lưu. Tính tới năm nay, nhóm Millennials và gen Z đã chiếm tới 60% khách hàng của họ, cao hơn nhiều so với mức chỉ 20% vào năm 2022. Gần đây, khu nghỉ cũng hợp tác cùng Augistinus Bader - thương hiệu chăm sóc da được những người nổi tiếng như Victoria Beckham và Kim Kardashian dùng - để phục vụ nhu cầu spa cho khách hàng.

Theo Foo, nhu cầu du lịch độc đáo của nhóm khách trẻ không chỉ đến từ hoạt động tiếp thị tốt mà bản thân khách hàng thực sự đang tìm kiếm điều gì đó. Ví dụ, Chervonne Ang, cô gái 20 tuổi, là khách hàng của Foo, đã vui vẻ với cuộc sống của mình trước khi đại dịch xảy ra. Sau đó, cô trải qua một loạt sự kiện lớn như chia tay, nuôi chó và bất ngờ tìm thấy tình yêu, sự an ủi từ thiên nhiên dù vốn không thích hoạt động ngoài trời. Khi du lịch mở lại, cô đã đạp xe qua Đài Loan rồi tiếp tục khám phá cổ trấn miền nam Trung Quốc, gần đây nhất là chi đậm cho chuyến đi săn xa xỉ ở châu Phi.

"Các thương hiệu bán cho chúng ta giấc mơ nhưng bản thân thế hệ này đang cố thoát khỏi một điều gì đó nên mọi thứ trở nên hiệu quả", Foo nói.

Du lịch giúp Ang vượt qua quãng thời gian đen tối nhưng nhiều người nghĩ cô lãng phí khi xem các hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Ang nói mình đang "ở thời kỳ đỉnh cao" nên không bận tâm về số tiền, chỉ thấy thực sự hạnh phúc lúc này. Tan cũng có chia sẻ tương tự khi cô từng tự hỏi tại sao mình phải trả nhiều tiền như thế cho phòng khách sạn. Dù vậy, cô vẫn thấy xứng đáng với những trải nghiệm của khu nghỉ dưỡng đem lại.

Hoài Anh (Theo CNA)