Grab sắp sa thải quy mô khủng: Giải mã cú "quay xe" đầy bất ngờ

(Dân trí) - Dù từng tuyên bố không sa thải hàng loạt nhưng gần đây Grab lại có thông tin về việc cắt giảm hàng nghìn việc làm. Lý do của sự "quay xe" này ra sao?

Cú "quay xe" bất ngờ

Thông tin Grab cắt giảm 1.000 việc làm, tương đương 11% tổng lực lượng lao động, đến như một tia chớp bất ngờ. Dù công ty không cung cấp thông tin chi tiết nhưng có thể hiểu rằng việc sa thải sẽ không loại trừ thị trường hay bộ phận nào.

Sau khi xem xét bài đăng trên LinkedIn của những nhân viên bị sa thải, tờ Tech In Asia cho biết phần lớn những người này đến từ các bộ phận như kỹ thuật, marketing và nhân sự.

Còn theo một nhân viên của Grab, một trong những bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất là nghiên cứu người dùng với nhân viên chủ yếu ở Singapore và Mỹ. Người này cho biết thêm rằng một số đồng nghiệp có năng lực của mình đã bị sa thải và họ đang rất buồn bã.

Grab sắp sa thải quy mô khủng: Giải mã cú "quay xe" đầy bất ngờ  第1张

Ông Alex Hungate - COO của Grab (Ảnh: Grab).

Đáng chú ý, trong khi các gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á khác như Sea Group (công ty mẹ Shopee) và GoTo Group (công ty mẹ Gojek) đều đã trải qua nhiều đợt cắt giảm nhân sự vào năm ngoái, COO của Grab là Alex Hungate lại tuyên bố họ sẽ không nằm trong số những công ty sa thải hàng loạt.

Ông nói thêm rằng Grab đã rất thận trọng trong việc tuyển dụng và kết quả kinh doanh của họ chưa "tuyệt vọng" đến mức phải ngừng tuyển dụng hoặc sa thải. Trước đó, khi đại dịch bắt đầu bùng phát, Grab đã sa thải khoảng 5% lực lượng lao động của mình.

Quan điểm không sa thải nhân viên của Grab đã được Anthony Tan, CEO kiêm đồng sáng lập của Grab, nhắc lại trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, Tan tiết lộ công ty đang tạm dừng tuyển dụng những vị trí không quan trọng và tạm dừng tăng lương cho các vị trí quản lý cấp cao.

Chính vì thế, việc Grab sa thải hàng loạt lần này đã gây ngạc nhiên vì đi ngược với những gì lãnh đạo công ty từng tuyên bố.

Sa thải không phải là "lối tắt dẫn đến lợi nhuận"

Trước thông tin cho rằng động thái sa thải hàng loạt được thúc đẩy bởi nhu cầu đạt mục tiêu lợi nhuận, Tan nhanh chóng bác bỏ. Trong một lưu ý gửi nhân viên, ông nhấn mạnh đây không phải "lối tắt dẫn đến lợi nhuận" và dù có cắt giảm nhân sự hay không, Grab vẫn đang trên đà đạt trạng thái hòa vốn.

Tuy nhiên, Tech in Asia từng đưa tin tổng giá trị giao dịch (GMV) của Grab trong quý I năm nay đã bị đình trệ. Để đạt mục tiêu hòa vốn, công ty cần tăng con số này hơn nữa.

Grab sắp sa thải quy mô khủng: Giải mã cú "quay xe" đầy bất ngờ  第2张

Không loại trừ khả năng Grab sẽ tiếp tục cắt giảm nhân sự (Ảnh: Tech In Asia).

GoTo, đối thủ đến từ Indonesia của Grab là một ví dụ tốt. Tháng 11 năm ngoái, họ đã cắt giảm 1.300 nhân sự, tương đương 12% lực lượng lao động. Đây là quy mô tương tự với đợt sa thải lần này của Grab.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023, GoTo ước tính việc cắt giảm nhân sự đã giúp họ tiết kiệm khoảng 14 triệu USD trong quý gần nhất.

Về phần mình, Grab đã đưa ra một gói hỗ trợ toàn diện cho những nhân viên bị ảnh hưởng, bao gồm khoản trợ cấp thôi việc và tiếp tục cung cấp các dịch vụ như bảo hiểm y tế đến cuối năm.

Theo Tech In Asia, dù sao Grab vẫn cần đảm bảo rằng tinh thần của những nhân viên ở lại không bị ảnh hưởng bởi đợt sa thải này. Tuy nhiên, do Grab đột nhiên thay đổi so với lập trường không sa thải, khó có thể loại trừ khả năng công ty sẽ cắt giảm thêm.

Mục tiêu chính của việc sa thải

Một câu hỏi đặt ra là nếu việc sa thải không phải để đáp ứng mục tiêu lợi nhuận thì tại sao họ lại làm như vậy?

Trong bản ghi nhớ gửi nhân viên, Tan cho biết "mục tiêu chính" của động thái này là "tái tổ chức một cách chiến lược" để công ty có thể "di chuyển nhanh hơn, làm việc thông minh hơn" và tái cân bằng các nguồn lực trong danh mục đầu tư để phù hợp với các chiến lược dài hạn hơn.

Ông nói thêm: "Để tận dụng những cơ hội này một cách hiệu quả nhất, chúng tôi phải kết hợp quy mô với khả năng thực thi nhanh chóng cùng khả năng tiết kiệm chi phí để cung cấp một cách bền vững các dịch vụ có giá cả phải chăng hơn và thâm nhập sâu hơn vào thị trường".

Vị CEO này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải "thích ứng với môi trường" trong đó các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) đang "phát triển với tốc độ chóng mặt" và chi phí vốn ngày càng tăng đang làm thay đổi cục diện cạnh tranh.

Chi phí vốn cao hơn có nghĩa là các công ty như Grab không còn có thể thúc đẩy GMV bằng cách tăng ưu đãi cho người dùng và đối tác thương mại.

Tech In Asia nhận định việc kết hợp quy mô với chi phí phục vụ thấp có thể giúp Grab mở rộng GMV bằng cách thâm nhập sâu hơn vào phân khúc dịch vụ giá cả phải chăng, một trong những lĩnh vực trọng tâm của công ty.

Mặt khác, chi phí vốn cao hơn cũng có nghĩa là các công ty đối thủ của Grab phải hạn chế chi tiêu cho ưu đãi và marketing trong khi những người mới tham gia ít có khả năng đảm bảo nguồn vốn cần thiết để chèo lái việc kinh doanh. Những điều này được đánh giá là có khả năng giảm bớt áp lực cạnh tranh đối với các công ty đã có chỗ đứng như Grab.

Theo Tech In Asia