Ngày 30/8, Công an tỉnh An Giang cho biết đơn vị vừa ra quyết định tạm giữ hình sự ông Hồ Văn Út, 58 tuổi ở An Giang về hành vi giết người.
Trước đó, do nhận thấy ruộng lúa bị chuột phá hoại nên khoảng 18h ngày 29/8, ông Út điều khiển mô tô mang theo 2 cái bình ắc quy và cục biến điện đến ruộng lúa của mình để bẫy chuột. Trước khi về, ông Út dùng đèn chớp màu đỏ cắm ở 3 góc ruộng để báo hiệu.
Ông Hồ Văn Út. Ảnh: DT
Sau một thời gian, ông Út quay trở lại mảnh ruộng trên phát hiện Nguyễn Văn Hải (46 tuổi, cùng trú tại địa phương) bị điện bẫy chuột giật tử vong, trên lưng Hải có mang theo bình điện dùng để bắt cá.
Sau khi vụ việc xảy ra, ông Út thông báo cho người dân gần đó biết và lên Công an xã Phú Bình tự thú.
Theo cơ quan Công an, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh An Giang, nhiều người dân sử dụng điện để đánh bắt cá và diệt chuột bảo vệ lúa và hoa màu.
Công an tỉnh An Giang phát đi cảnh báo, yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, tuyên truyền giáo dục pháp luật để người dân có biện pháp phù hợp bảo vệ tài sản, mùa màng, không gây ảnh hưởng đến môi trường, tính mạng của người khác.
Trong quá trình lao động, sản xuất, người dân phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật, tuyệt đối không sử dụng điện để bẫy diệt chuột bảo vệ lúa, hoa màu trái phép.
Luật sư Hoàng Anh Sơn phân tích, căn cứ tiết b Mục 12 Phần I Công văn 81/2002/TANDTC năm 2002 của Toà án Nhân dân "giải đáp, hướng dẫn các vấn đề về nghiệp vụ", thì hành vi trên về nguyên tắc có thể phạm vào các tội danh khác nhau tùy vào các trường hợp cụ thể như sau:
Đề nghị hướng dẫn đối với các trường hợp sử dụng điện trái phép làm chết người thì xét xử về tội gì?
Để xét xử đúng tội cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Về nguyên tắc chung, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:
...Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:
Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xẩy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.
Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.
Theo đó, sử dụng điện bẫy chuột gây chết người bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo từng trường hợp như sau:
Thứ nhất: Nếu việc lắp đặt, sử dụng điện bẫy chuột được thực hiện ở nơi mà người mắc điện cho rằng sẽ không có người qua lại, người đó tự tin mình sẽ thực hiện tốt các biện pháp như canh gác cẩn trọng, cảnh báo người qua lại, cắm Biển báo nguy hiểm nhưng vẫn có hậu quả làm chết người xảy ra do lưới điện đó thì người mắc điện sẽ bị xét xử về Tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù.
Tội vô ý làm chết người được quy định cụ thể tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vô ý làm chết người có quy định như sau:
Tội vô ý làm chết người
Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Căn cứ Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính có quy định như sau:
Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hiện trường bẫy chuột. Ảnh: DT
Như vậy, nếu bị truy cứu và bị tuyên án với tội danh Vô ý làm chết người thì người vi phạm bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu là tội danh vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Đồng thời có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Thứ 2: Nếu việc lắp đặt hàng rào điện tự chế để bẫy, bắt chuột được thực hiện ở nơi có nhiều người qua lại và người mắc điện biết điều đó nhưng vẫn cố ý mắc hoặc người đó để mặc cho các hậu quả xảy ra sau khi mắc điện (cho dù đều có để Biển báo nguy hiểm) thì nếu có người bị điện giật chết do vướng phải lưới điện, người mắc điện sẽ bị xét xử về Tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt tù từ 7 đến 15 năm, tù chung thân hoặc cao nhất là tử hình.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận