Cho vay nặng lãi với lãi suất 386%/năm
Công an TP Tuy Hòa vừa cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" xảy ra từ năm 2022 đến năm 2024 tại TP Tuy Hòa.
Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lê Đức Giao (38 tuổi, trú tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng) và Hoàng Văn Thắng (28 tuổi, trú tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng).
Theo hồ sơ điều tra, trước đó Công an TP Tuy Hòa phát hiện một nhóm người từ TP Hải Phòng đến thuê trọ, lưu trú trên địa bàn TP này để hoạt động cho vay lãi nặng với phương thức dán, phát tờ rơi quảng cáo "cho vay trả góp ngày" với lãi suất thấp.
Tháng 2/2024, Công an TP Tuy Hòa xác lập chuyên án nhằm đấu tranh với nhóm người hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn TP và các huyện, thị xã ở hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Bước đầu xác định trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2024, nhóm người này đã cho nhiều người dân trên địa bàn TP Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa và huyện Phú Hòa (Phú Yên) vay gần 2,7 tỉ đồng với lãi suất từ 282,5% đến 386%/năm; số tiền thu lợi bất chính tạm tính là 1,35 tỉ đồng.
Ngày 28/8, ban chuyên án đã thành lập hai tổ công tác bắt giữ các nghi phạm, trong đó có Lê Đức Giao và Hoàng Văn Thắng. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của các nghi phạm đã thu giữ khoảng 200 bộ hồ sơ liên quan đến cho vay lãi nặng và nhiều vật chứng liên quan khác.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc công ty Luật TNHH Tín Hải cho biết, việc cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi bóc lột, chiếm đoạt thành quả lao động của người khác bằng cách lợi dụng khó khăn của người khác để cho vay với lãi suất "cắt cổ".
Vì vậy, người thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự sẽ bị xử lý hình sự, đồng thời bị tịch thu toàn bộ tài sản do phạm tội mà có, tài sản sử dụng làm công cụ phương tiện để phạm tội.
Căn cứ để xử lý hành vi cho vay nặng lãi
Theo luật sư Huy, vay tiền hay nói cách khác là vay tài sản là quan hệ dân sự, được pháp luật cho phép. Trong đời sống xã hội ngày nay, người này cho người khác vay tài sản trên tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cho vay để lấy lãi, thậm chí thành lập ra các tổ chức "tín dụng đen" chuyên thực hiện hoạt động cho vay.
Lê Đức Giao (38 tuổi, trú tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng) và Hoàng Văn Thắng (28 tuổi, trú tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) bị Công an TP Tuy Hòa bắt điều tra hành vi cho vay nặng lãi. Ảnh: Công an TP Tuy Hòa
Trong đời sống xã hội, không phải ai cũng có thể đáp ứng được nhu cầu về tiền bạc trong các quan hệ dân sự. Chính vì vậy nhu cầu vay tiền là nhu cầu thường xuyên xảy ra với nhiều người, trong khi đó thủ tục vay vốn tại các tổ chức tín dụng không hề đơn giản. Không phải cứ có nhu cầu là có thể vay được tiền ở các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, nhiều đối tượng đã tổ chức cho vay, lợi dụng khó khăn của người vay tiền với lãi suất cao, cầm cố tài sản, thậm chí lợi dụng khó khăn của người vay tiền để chiếm đoạt tài sản
Để đảm bảo quyền lợi của bên cho vay và bên đi vay, Nhà nước đã quy định trong Bộ luật Dân sự về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ vay tài sản. Đặc biệt là về lãi suất trong Điều 468 bộ luật dân sự 2015 quy định lãi suất cho vay do hai bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20 % một năm.
Các bên có thể thỏa thuận với nhau về số tiền vay, thời hạn vay, thời hạn trả nợ, phương thức trả nợ, thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá mức lãi suất mà nhà nước quy định. Nếu cho vay mà vượt quá mức lãi suất quy định là trái pháp luật, phần vượt quá sẽ không được pháp luật bảo hộ, nếu có tranh chấp thì người đi vay tiền chỉ phải trả mức lãi suất không quá 20 % một năm.
Trường hợp cho vay vượt quá 5 lần mức lãi suất cao nhất nhà nước quy định, thu lợi bất chính 30.000.000 đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Khái niệm "Cho vay lãi nặng" thường dùng chỉ trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
"Theo quy định của bộ luật dân sự 2015 đang áp dụng hiện nay thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, tức hằng tháng người cho vay tiền chỉ được lấy lãi suất tối đa là 1.66%/tháng. Trường hợp người cho vay với lãi suất vượt quá năm lần mức lãi suất cao nhất nhà nước quy định, thu lợi bất chính 30.000.000 đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt có thể tới 03 năm tù", luật sư Huy nói.
Đăng thảo luận