Kinhtedothi - Xác định chuyển đổi số là giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Phúc Thọ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, góp phần tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Tin liên quan
Huyện Phúc Thọ khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân ảnh hưởng bão lũ
Đấu giá 13 thửa đất tại huyện Phúc Thọ, giá trúng cao nhất 75 triệu đồng/m2
Hệ thống chính trị tích cực vào cuộc
Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, UBND huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo thực hiện hợp nhất Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06 của Chính phủ tại các thôn, tổ dân phố. Đến nay, 100% các xã, thị trấn đã thành lập, hợp nhất theo chỉ đạo với tổng số 163 Tổ chuyển đổi số cộng đồng và 1.029 thành viên.
Các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, hướng dẫn những kỹ năng số cần thiết cho người dân, doanh nghiệp và hộ gia đình; từ đó chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại huyện Phúc Thọ hướng dẫn người dân kê khai thủ tục hành chính trên nền tảng số.Tiêu biểu như ở xã Võng Xuyên, địa phương đã thành lập Tổ tình nguyện hỗ trợ công dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa UBND xã. Thời gian thực hiện vào các buổi chiều thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần.
Tổ đã phân công các tổ viên thực hiện trực hỗ trợ Bộ phận Một cửa hướng dẫn công dân các bước nộp hồ sơ trực tuyến. Nhờ đó, trong 9 tháng qua của năm 2024, UBND xã đã tiếp nhận và giải quyết được 720 hồ sơ, tăng 131 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến nay, 10/21 xã, thị trấn đã thiết lập kênh Zalo OA để kết nối, chia sẻ thông tin, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính. Kênh Zalo OA được kết nối với Trang thông tin điện tử của các xã, thị trấn và trở thành một trong những kênh thông tin chính thức, quan trọng trong việc cung cấp thông tin.
Cùng với các địa phương, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Phúc Thọ nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các phòng, ban, đơn vị thuộc UBND huyện. Đơn cử như Phòng LĐ,TB&XH huyện phối hợp với Công an huyện triển khai đến 21/21 xã, thị trấn tuyên truyền, vận động đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội mở tài khoản miễn phí cho đối tượng.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức thí điểm Học bạ số trong các trường phổ thông; Phòng Y tế triển khai Sổ sức khoẻ điện tử; Phòng Tư pháp thực hiện số hoá dữ liệu sổ hộ tịch. Trong khi Văn phòng HĐND - UBND huyện cũng tích cực triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định...
Chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tại huyện Phúc Thọ.Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Thực tế quá trình triển khai cho thấy, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số phòng, ngành, UBND các xã, thị trấn chưa chủ động, quyết liệt triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch chuyển đổi số của huyện.
Tỷ lệ xử lý văn bản trên môi trường mạng hiện nay còn khá thấp. Đặc biệt, nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn còn thiếu và yếu, dẫn đến việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số có lúc, có nơi còn gặp nhiều khó khăn...
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, địa phương nhận thức rất rõ tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số đối với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Chính vì vậy, trong thời gian qua, huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển hạ tầng số, dữ liệu số…
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì quản lý, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung của TP Hà Nội đảm bảo thông suốt. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số khác trong giải quyết thủ tục hành chính.
UBND huyện Phúc Thọ cũng sẽ chỉ đạo các phòng, ngành, các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân về lợi ích của chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế như thương mại điện tử, nông nghiệp thông minh… Phát hiện, tôn vinh kịp thời và phổ biến, nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả trong chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Từ nay đến cuối năm 2024, huyện Phúc Thọ sẽ đôn đốc các cơ quan, đơn vị, UBND các xã thị trấn hoàn thành tốt những chỉ tiêu, nhiệm vụ, kết hợp tự đánh giá, chấm điểm các chỉ số trong Bộ chỉ số Chuyển đổi số của cơ quan Nhà nước TP Hà Nội.
#box1727796565136{background-color:#ffebeb}
Đăng thảo luận