Với xu thế toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc phát triển một nền kinh tế năng động, tăng trưởng ổn định và bền vững là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Thủ đô Hà Nội.
Dấu ấn sau 70 năm giải phóng
Ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang của Nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Các diễn giả chia sẻ tại cuộc tọa đàm. Ảnh: Thanh HảiNgay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế. Dù phải đối diện với không ít thách thức, nhưng trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển, Thủ đô luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, bộ, ngành, địa phương và của Nhân dân cả nước.
Cũng nhờ đó, trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế dương và cao hơn 1,2 - 1,5 lần mức tăng GDP trung bình hàng năm của cả nước. Không chỉ là nơi có những điều kiện thuận lợi về địa lý, cơ sở hạ tầng, Hà Nội còn là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nhờ môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện.
Thống kê đến nay, Hà Nội đã thu hút được trên 4.500 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Các DN FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các DN, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Hạ tầng thương mại nội địa như: trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… được TP chú trọng phát triển. Các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tăng mạnh...
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, nếu như trước đây, Hà Nội đơn thuần là trung tâm hành chính của cả nước, thì đến nay, với sự quan tâm đặc biệt của T.Ư, cùng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã trở thành đầu tàu của cả nước, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà còn ở khía cạnh văn hóa, y tế, giáo dục…
Với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Hà Nội đã và đang đóng góp hết sức quan trọng vào các chỉ số kinh tế của cả nước. Hiện, dù chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số, nhưng Hà Nội đóng góp 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Động lực từ cơ chế, chính sách đặc thù
Vượt qua thách thức trong hành trình 70 năm đã qua, Hà Nội từ một đô thị nhỏ bé, nghèo nàn, có diện tích khoảng 152km2 và 43 vạn dân, nay đã trở thành một đô thị rộng lớn gấp gần 22 lần và dân số gấp hơn 23 lần, với cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, những thành tựu mà Thủ đô đạt được trong 70 năm sau ngày giải phóng là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển chung của cả nước. Điều đó có được một phần quan trọng đến từ sự quan tâm đặc biệt của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, bộ ngành, địa phương và Nhân dân cả nước.
“Năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-TW về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Đây được xem là tiền đề đầu tiên hết sức quan trọng, tạo bước đột phá đưa Hà Nội trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Quan trọng hơn là giúp cơ cấu kinh tế của Hà Nội ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững…” - TS Nguyễn Đức Kiên bày tỏ quan điểm.
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm HùngCùng chung nhìn nhận, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), cho rằng TP được T.Ư và Bộ Chính trị hết sức quan tâm, thể hiện qua việc ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tiêu biểu là Nghị quyết số15-NQ/TW ngày 15/12/2000; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012, và mới đây nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (viết tắt là Nghị quyết số 15).
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Nghị quyết số 15 không chỉ thể hiện sự nhất quán và tiếp nối tinh thần các nghị quyết trước, mà còn bổ sung nhiều định hướng, chủ trương lớn, yêu cầu nhiệm vụ mới và cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn cho Thủ đô năm 2030, tầm nhìn năm 2045, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cùng với Nghị quyết số 15, Luật Thủ đô 2024 (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 là một công cụ pháp lý vô cùng quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô.
Luật Thủ đô 2024 (sửa đổi) trở thành nền tảng để Hà Nội khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, tạo nên những thay đổi đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Đặc biệt là trong việc thúc đẩy kinh tế số, phát triển năng lượng tái tạo và xây dựng những mô hình kinh tế mới, phù hợp với xu hướng quốc tế.
Có thể nói, từ Nghị quyết số 15 về mở rộng địa giới hành chính đến các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Luật Thủ đô 2024 (sửa đổi), hệ thống pháp lý và chính sách dành cho Hà Nội ngày một trở nên đầy đủ và toàn diện. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để TP hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xứng tầm vị thế - tiềm năng, trở thành Thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, đúng với Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng
Song song với những cơ chế, chính sách ưu đãi dành riêng cho Hà Nội của T.Ư, Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) Nguyễn Hoàng nhấn mạnh, một lợi thế lớn khác của Thủ đô là nằm trong tam giác phát triển khu vực phía Bắc, có vị trí đầu mối giao thông thuận lợi để kết nối dễ dàng với các tỉnh, thành thuộc Vùng Đồng bằng sông Hồng, cũng như các địa phương khác của cả nước và quốc tế.
Với lợi thế lớn nêu trên, Chủ tịch Hansiba Nguyễn Hoàng khuyến nghị Hà Nội nên nghiên cứu mô hình “một vòng tròn lan tỏa” để phát triển kinh tế, tức là công nghiệp gắn với nông nghiệp, tiếp đến gắn với y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch... Tất cả các lĩnh vực cần gắn kết với nhau, bổ trợ cho nhau, lấy ưu điểm của nhau để thúc đẩy phát triển.
“Nhất định phải lấy sự sống an lành - xanh - sạch - hạnh phúc - mức sống tốt nhất cho người dân Hà Nội để làm mục tiêu phát triển. Từ đó, xây dựng Hà Nội trở thành hình mẫu để phát triển ra cả nước…” - Chủ tịch Hansiba Nguyễn Hoàng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững là yêu cầu đặt ra. Và một trong những nhiệm vụ quan trọng để cụ thể hóa mục tiêu trên là cần đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài (FDI).
Phó Chủ tịch Hiệp hội có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn cho rằng, để thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài và trong nước thì môi trường đầu tư là yếu tố rất quan trọng.
“Hiện nay, Hà Nội đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng các dự án cũng được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả hơn. Dù vậy, trong bối cảnh chuyển đổi phát triển đô thị nhanh, TP cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề quy hoạch để tạo quỹ đất phát triển công nghiệp, thương mại hài hòa với dịch vụ, thương mại; hướng đến xây dựng TP thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp…” - Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn nói.
Chia sẻ về những mô hình kinh tế mới, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý công (Đại học Kinh tế Quốc dân) khuyến nghị Hà Nội nên nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế số, kinh tế ban đêm. Điều này sẽ giúp Hà Nội hướng đến mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh như Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã đề ra.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn, để Hà Nội chuyển sang nền kinh tế xanh, cần có đề án, kế hoạch triển khai cụ thể nhằm chuyển từ hành động sang tầm nhìn mong muốn. Ở đó, điểm mấu chốt là nâng cao chất lượng thể chế quản trị địa phương. Cải cách mạnh mẽ hơn thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công tinh gọn và tinh giản hóa quản trị bộ máy Nhà nước cũng là những đòi hỏi đặt ra đối với Hà Nội.
Để tận dụng được những lợi thế từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nhiều lợi thế cạnh tranh khác, theo TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô cần đoàn kết thống nhất, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công thực hiện “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”.
Cùng với đó, Hà Nội cần tiếp tục đa dạng hóa và gia tăng các nguồn lực, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đổi mới tư duy, đổi mới phương thức, cách làm. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và mô hình kinh doanh mới như: kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm…
Ưu tiên phát triển nền kinh tế xanh
Với xu thế toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ, cần nhìn xa hơn về tương lai của nền kinh tế Hà Nội. Một nền kinh tế không chỉ tăng trưởng mà còn phải bền vững và hài hòa với môi trường.
Trước những thách thức đó, Luật Thủ đô 2024 là một công cụ pháp lý vô cùng quan trọng. Đây là nền tảng để Hà Nội khai thác tốt hơn nữa tiềm năng, tạo nên những thay đổi đột phá trong phát triển kinh tế số, phát triển năng lượng tái tạo, và xây dựng những mô hình kinh tế mới, phù hợp với xu hướng quốc tế.
Trong bối cảnh Hà Nội phải đối mặt với những thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, Hà Nội cũng cần tập trung vào việc phát triển nền kinh tế xanh. Đây không chỉ là một xu hướng mà là một yêu cầu cấp bách, mang tính sống còn để bảo đảm sự phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau”.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị
Cần cơ chế riêng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn là một bộ phận có đóng góp rất lớn trong kinh tế xanh. Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường đã đề cập vấn đề kinh tế tuần hoàn, chủ trương cơ chế chính sách chung cũng đều đã có. Giờ là lúc Hà Nội cần cụ thể hóa việc thực hiện. Theo đó, cơ chế, chính sách riêng của Thủ đô cho phát triển kinh tế tuần hoàn phải được nêu ra cụ thể, làm sao tạo được môi trường thuận lợi hơn về thuế, đất đai và nhất là cơ chế tín dụng, để các DN thuận lợi hơn khi tham gia đầu tư các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn...
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển bền vững
Kiến tạo các khu công nghiệp sinh thái
Khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Do đó, để thu hút các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực FDI, trong thời gian tới, Hà Nội cần tập trung vào việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, xây dựng các khu công nghiệp xanh, sạch, thông minh, tiện ích. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng những tiêu chuẩn mà nhà đầu tư cần…
TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương)
Đăng thảo luận