Tuyến cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu có chiều dài hơn 175km với số vốn đầu tư 80.836 tỉ đồng dự kiến được khởi công năm 2026 và hoàn thành năm 2030.

Hơn 80.000 tỉ đồng làm cao tốc kết nối khu vực biên giới Campuchia với các tỉnh ĐBSCL  第1张

Sơ đồ tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (màu đỏ) - Ảnh: M.T.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa hoàn thành báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và đã trình Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, dự án có điểm đầu tại khu vực cửa khẩu Hà Tiên thuộc TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, điểm cuối kết nối với quốc lộ 1, khu vực TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Tổng chiều dài dự án khoảng 175,5km với 4 làn xe cao tốc và 2 làn xe khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100km/h. Trong đó, tuyến qua địa phận tỉnh Kiên Giang dài 82km, tỉnh Hậu Giang 18km; tỉnh Sóc Trăng dài 13km và tỉnh Bạc Liêu dài 25,3km.

  • Hơn 80.000 tỉ đồng làm cao tốc kết nối khu vực biên giới Campuchia với các tỉnh ĐBSCL  第2张

    Trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tốc độ 350km/hĐỌC NGAY

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận dự toán tổng mức đầu tư dự án khoảng 80.836 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, dự kiến khởi công trong năm 2026 và hoàn thành năm 2030.

Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, việc sớm đầu tư dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu có ý nghĩa to lớn trong việc từng bước hoàn thiện hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch.

Cao tốc này cũng kết nối với cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và trở thành trục đường vận chuyển hàng hóa quan trọng từ Campuchia đi qua các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trong khu vực.

Hiện nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hệ thống mạng lưới đường bộ cao tốc trên hành lang TP.HCM - Cà Mau (thuộc trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Đông) đã đưa vào khai thác cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài khoảng 45km; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,5km; cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài khoảng 30km.

Ngoài ra cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài khoảng 109,5km đang thi công, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2025.

Đối với hành lang TP.HCM - Rạch Giá (thuộc trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Tây) đã hoàn thành và đưa vào khai thác cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài khoảng 80km (hiện đang nghiên cứu đầu tư lên chuẩn khai thác theo đường cao tốc).

Về hệ thống cao tốc trục ngang, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong vùng có tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang triển khai thi công, còn 2 tuyến Hồng Ngự - Trà Vinh, Hà Tiên - Bạc Liêu, hiện Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với hội đồng thẩm định nhà nước để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.