Ngành nguyên liệu thực phẩm và đồ uống còn gặp nhiều thách thức
Theo Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực - Thực phẩm Việt Nam (VAFoST), ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 10 - 12%.
Trong khu vực Đông Nam Á, doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam năm 2023 đã vươn lên vị trí thứ 3, chỉ đứng sau Indonesia và Philippines.
Ngành sản xuất chế biến thực phẩm đã trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, chiếm tỷ trọng đáng kể 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ngành thực phẩm và đồ uống trong nước phát triển nhanh. Các sản phẩm chế biến từ trái bưởi của nông dân Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ
PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Duy - Ủy viên Ban thường vụ VAFoST, giảng viên Trường Đại học Công Thương TP.HCM cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của ngành thực phẩm và đồ uống đã tạo ra nhu cầu lớn về nguyên liệu thực phẩm để phục sản xuất, chế biến. Việt Nam sở hữu lợi thế tự nhiên trong lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp nguồn nguyên liệu thực phẩm và đồ uống dồi dào.
Tuy nhiên, ngành nguyên liệu thực phẩm và đồ uống trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Chất lượng nguyên liệu còn nhiều hạn chế và thiếu ổn định do quy trình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu. Biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng cũng gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng và chất lượng nông sản.
Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực - Thực phẩm Việt Nam chia sẻ về tìm năng và thách thức của ngành nguyên liệu thực phẩm trong nước tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm ngành nguyên liệu thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Huỳnh Hiếu – Tổng giám đốc Công ty CP nguyên liệu thực phẩm Monova (quận Bình Tân, TP.HCM) có hơn 20 năm làm trong ngành hương liệu cho thực phẩm cho rằng, Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu và hương liệu phục vụ chế biến thực phẩm.
Đăng thảo luận