Cách đây ba năm, Intel có giá trị gấp đôi hiện tại và tích cực tìm kiếm các thương vụ thâu tóm công ty khác. Vật đổi sao dời, Intel giờ đây lại trở thành mục tiêu bị thâu tóm.
Trước đây, việc Intel bị hỏi mua lại được xem là việc gần như không tưởng - Ảnh: REUTERS
Việc ông lớn công nghệ như Intel đối diện với nguy cơ bị thâu tóm cho thấy những sai lầm chiến lược và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến công ty này rơi vào tình thế khó khăn.
Từ đỉnh cao đến bờ vực
Mới đây tờ Wall Street Journal đưa tin Qualcomn đã đề nghị mua lại Intel. Mặc dù thỏa thuận này chưa có gì chắc chắn nhưng cũng đã cho thấy sự xuống dốc chưa từng có trong 56 năm lịch sử của Intel.
Các vấn đề bắt đầu từ những sai sót trong sản xuất trước khi ông Pat Gelsinger đảm nhiệm vị trí CEO và tệ hơn khi ông theo đuổi chiến lược tái cơ cấu đắt đỏ mà không lường trước được cơn sốt AI sẽ chuyển hướng nhu cầu sang loại chip do đối thủ Nvidia sản xuất.
Angelo Zino, một nhà phân tích từ CFRA Research, nhận xét: "Trong 2-3 năm qua, sự chuyển dịch sang AI chính là đòn chí mạng đối với họ. Intel không có khả năng đáp ứng nhu cầu mới".
Intel từng thống trị thị trường bán dẫn thế giới trong nhiều thập kỷ. Các con chip của họ gần như có mặt trong mọi máy tính cá nhân và máy chủ.
Intel là một trong số ít công ty tự thiết kế và sản xuất chip, và từng là nhà dẫn dắt thị trường trong cả hai lĩnh vực này.
Tuy nhiên, khi ông Gelsinger lên nắm quyền vào đầu năm 2021, Intel đã tụt hậu so với các đối thủ ở châu Á trong cuộc đua sản xuất chip có hiệu năng cao.
Ông Gelsinger, người từng có thâm niên làm việc tại Intel và là giám đốc công nghệ đầu tiên của công ty, đã đề ra kế hoạch khôi phục lại vị thế của Intel, như dưới thời các nhà lãnh đạo trước đó như Andy Grove và Paul Otellini.
Ông dự định bắt kịp các đối thủ châu Á như TSMC từ Đài Loan và Samsung Electronics từ Hàn Quốc. Ông cũng lên kế hoạch đầu tư lớn vào các hoạt động sản xuất của Intel, và mở rộng việc cung cấp dịch vụ sản xuất chip cho các công ty chỉ thiết kế chip như Qualcomm.
Ván cược đắt giá
Ông Gelsinger đã sử dụng nguồn lực tài chính của Intel để xây dựng mảng kinh doanh sản xuất theo hợp đồng. Ông từng đàm phán để mua lại GlobalFoundries với giá khoảng 30 tỉ USD vào mùa hè sau khi nhậm chức, nhưng thỏa thuận này không thành.
Cuối cùng, Intel đã chọn mua lại Tower Semiconductor với giá hơn 5 tỉ USD, nhưng thỏa thuận này cũng thất bại khi không được cơ quan quản lý Trung Quốc phê duyệt.
Trong khi chi phí ngày càng tăng, sự bùng nổ của AI đã thúc đẩy nhu cầu chuyển sang các bộ xử lý đồ họa (GPU) của Nvidia, loại chip được thiết kế tốt hơn để xử lý các hệ thống AI phức tạp.
Khi các công ty công nghệ khắp thế giới tranh nhau mua chip AI của Nvidia, nhiều bộ vi xử lý của Intel vẫn nằm trên kệ mà không có người mua.
Trước sức ép đó, ông Gelsinger buộc phải cắt giảm chi phí để duy trì chiến lược tái cấu trúc của mình. Intel đã cắt giảm hàng nghìn nhân viên từ năm 2022 và giảm cổ tức vào năm ngoái.
Tuy nhiên, điều này vẫn không đủ. Tháng trước, ông Gelsinger thông báo sẽ sa thải 15.000 người, cắt giảm chi phí thêm 10 tỉ USD vào năm tới và ngừng chi trả cổ tức.
Triển vọng thu hẹp
Dù triển vọng phục hồi của Intel ngày càng thu hẹp nhưng vẫn có thể xảy ra. Giới phân tích cho rằng việc cắt giảm chi phí có thể giúp Intel vượt qua khó khăn, dù giá cổ phiếu sụt giảm đã làm tăng khả năng công ty trở thành mục tiêu thâu tóm.
Stacy Rasgon, một nhà phân tích tại Bernstein Research, nhận định tương lai của Intel phụ thuộc vào thành công hoặc thất bại của công nghệ sản xuất chip thế hệ tiếp theo, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm tới.
Công nghệ này có thể giúp Intel lấy lại vị thế dẫn đầu về mặt công nghệ và cải thiện biên lợi nhuận.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Intel là mảng kinh doanh chip cốt lõi của họ không được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng, trong bối cảnh chi tiêu cho chip AI tiếp tục tăng mạnh.
Đối với Qualcomm, việc thâu tóm Intel có thể giúp họ mở rộng sang các phân khúc mới của ngành công nghiệp chip.
Qualcomm hiện tập trung vào chip cho điện thoại di động và đã mở rộng sang lĩnh vực chip ô tô và Internet vạn vật (IoT) trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Qualcomm có giữ lại mảng sản xuất của Intel hay không, vì đây là lĩnh vực phức tạp và tốn kém mà Qualcomm thường không tham gia.
Với tương lai không chắc chắn, Intel đang phải đối mặt với một trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử, và sự lựa chọn của họ sẽ quyết định số phận của công ty bán dẫn hàng đầu một thời.
Đăng thảo luận