Những thông tin về Trường tiểu học Hòa Phú (Bình Dương) không thu bất kỳ khoản phí nào ngoài mức phí vệ sinh bắt buộc, là một tín hiệu tích cực khi không ít phụ huynh vẫn bức xúc với việc lạm thu quỹ lớp, quỹ trường.
Tranh minh họa: TTC
Sáng chủ nhật 6-10, nhiều người rời cuộc họp phụ huynh học sinh Trường tiểu học Võ Trường Toản (quận 10, TP.HCM) với gương mặt hớn hở. Lần đầu tiên các khoản thu quỹ lớp, quỹ trường hay các loại tiền đóng góp tập thể khác được giáo viên chủ nhiệm thông báo: Không thu!
Làn gió mát trong chuyện không thu quỹ trường, quỹ lớp từ Bình Dương đã "thổi" đến các trường ở TP.HCM?
Phụ huynh "giàu" muốn thu thêm, phụ huynh "nghèo" lo ngay ngáy
Những thông tin về Trường tiểu học Hòa Phú (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), nơi không thu bất kỳ khoản phí nào ngoài mức phí vệ sinh bắt buộc, thực sự là một tín hiệu tích cực đáng trân trọng trong bối cảnh lạm thu tại nhiều trường học và gây bức xúc lớn trong dư luận.
'Độc lạ Bình Dương': Trường học không có quỹ lớp, chuyện thật mà tưởng như cổ tíchĐỌC NGAY
Quỹ lớp và các khoản đóng góp thường được thông báo là "tự nguyện", nhưng thực tế lại mang tính bắt buộc. Nó trở thành nỗi lo thường trực của phụ huynh, nhất là mỗi dịp họp đầu năm học.
Nhiều trường còn lợi dụng các quy định chung chung để "ép" giáo viên chủ nhiệm thu thêm nhiều khoản phí hết sức vô lý, tạo ra sự bất bình đối với nhiều phụ huynh.
Mặt khác, chính một số phụ huynh có điều kiện tài chính tốt đã góp phần "cổ vũ" việc lạm thu. Điều này vô hình chung tạo ra môi trường học tập thiếu công bằng, nhất là với những gia đình khó khăn.
Không ít lần tôi chứng kiến những cha mẹ nghèo con đông phải "méo mặt" đóng quỹ lớp. Những phụ huynh có điều kiện không những hăng hái đóng góp mà còn đề nghị nâng mức thu, bày thêm các khoản bồi dưỡng hoặc các hoạt động có thu khác.
Dẹp bỏ các chủ trương trên như các trường ở Thủ Dầu Một hay ở quận 10 đang làm nhờ đó cũng sẽ xóa bỏ sự "phân biệt giàu nghèo" dựa trên khả năng đóng góp. Từ đó, tạo sự công bằng, lành mạnh trong môi trường học tập của học sinh.
Quan trọng hơn, quyết định của thầy Nguyễn Văn Công - hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Phú giúp giảm gánh nặng kinh tế cho những cha mẹ đang tần tảo nuôi con cái ăn học.
Lan tỏa "làn gió mát"
Vai trò của lãnh đạo cơ sở giáo dục là tiên quyết để có thể tạo ra những làn gió mát như vừa qua ở Bình Dương, tiếp đến là TP.HCM. Nhiều phụ huynh muốn Trường tiểu học Hòa Phú là "mô hình" cần thiết phải nhân rộng.
Cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ mua laptop: Chấn chỉnh nhưng xem lại đồng lương giáo viênĐỌC NGAY
Tuy nhiên, một phụ huynh là bạn của tôi đặt ngay câu hỏi: Nên nhìn đúng bản chất gốc rễ vấn đề ở đâu?
Hằng năm, ngân sách chi cho giáo dục là bao nhiêu mà nhiều trường công vẫn chật chội, cũ kỹ, thiếu thốn phương tiện.
Trong khi đó môi trường giáo dục hiện đại cần có phương tiện kỹ thuật tốt, nào máy vi tính, máy chiếu, phòng thí nghiệm, sân chơi thể thao bóng rổ, cầu lông... nhằm đạt mục tiêu giáo dục toàn diện.
Vậy thì nguồn lực ở đâu để con em chúng ta được tiếp cận chuẩn mực ngày càng cao đó?".
Việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục trong thời gian qua đã đạt một số kết quả tích cực, nhất là huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học và đóng góp vào sự phát triển giáo dục.
Thế nhưng thực tế việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Và tại một số trường học, biến tướng của "xã hội hóa" qua chuyện lạm thu quỹ trường, quỹ lớp vẫn là câu chuyện nhức nhối.
"Mô hình" trường học không quỹ lớp ở Bình Dương được đánh giá tích cực. Nhưng việc nhân rộng sẽ gặp ngay câu hỏi như phụ huynh là bạn của tôi đặt ra ở trên là "rào cản" về mặt tài chính.
Vì vậy bên cạnh sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho các trường học đầu tư cơ sở vật chất, sự chung tay của các tổ chức xã hội, của phụ huynh... là cần thiết.
Nhưng điều này không có nghĩa ép buộc mà tùy theo khả năng của từng phụ huynh, không nên có sự cào bằng. Khả năng phụ huynh tới đâu góp tới đó, không có khả năng thì không đóng góp.
Đó mới là tinh thần tự nguyện thật sự, đúng nghĩa, cần được nhân rộng và lan tỏa ở nhiều trường học khác. Khi đó mới giải quyết được "vấn nạn" lạm thu trong giáo dục.
Vấn đề còn lại là các hiệu trưởng có muốn hoặc "dám" thay đổi hay không!
Giáo viên phải chịu trách nhiệm nếu thu quỹ trường, quỹ lớp
Cô Đỗ Thị Mỹ Hòa, hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản (quận 10, TP.HCM), cho biết trong cuộc họp đầu năm học 2024-2025, nhà trường đã quán triệt với các giáo viên chủ nhiệm nếu để xảy ra việc thu quỹ lớp, quỹ trường thì giáo viên phải chịu trách nhiệm.
Cũng trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, hôm qua 6-10, giáo viên chủ nhiệm tất cả các lớp đều thông báo với ban đại diện cha mẹ học sinh không được có bất kỳ khoản thu quỹ lớp, quỹ trường nào.
Những năm học trước, Trường tiểu học Võ Trường Toản cũng không thu quỹ trường nhưng có quỹ khen thưởng học sinh, đối với quỹ lớp, do ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tự quyết với phương châm thu tự nguyện, không cào bằng.
Đăng thảo luận