The Economist nói kinh tế Mỹ bỏ xa các nước phát triển khác nhờ thị trường lớn, tài chính mạnh, lao động tốt và chính sách kinh tế thích ứng.
Năm 1992, Hội đồng Chính sách Cạnh tranh Mỹ - ủy ban tư vấn cho tổng thống và quốc hội, bày tỏ lo ngại nền kinh tế đang suy giảm và mất vị thế trước Nhật Bản và châu Âu. Họ tuyên bố: "Với các chính sách và hiệu suất hiện tại, Mỹ có nguy cơ tăng trưởng chậm hơn so với các nước công nghiệp lớn khác trong tương lai gần.
Nhưng điều ngược lại đã diễn ra trong 3 thập kỷ sau đó. Nhật Bản trì trệ kéo dài, tăng trưởng của châu Âu chậm lại. Trong khi, siêu cường số một thế giới vẫn tiến lên, một phần nhờ sự thúc đẩy của Internet.
Ngày nay, người ta lại lo về viễn cảnh mới tương tự, khi Trung Quốc đang trỗi dậy ở phương Đông. Ứng viên tổng thống Donald Trump nói rằng nền kinh tế đang "thất bại". Người Mỹ bình thường cũng trăn trở. Theo công ty thăm dò ý kiến Gallup, giai đoạn 1980 - 2000, tỷ lệ hài lòng khi được hỏi về hiện trạng nền kinh tế đạt trung bình 40%. Tuy nhiên, hai thập kỷ qua, con số này đã giảm còn 25%.
Đâu là những căn cứ cho nỗi lo lần này? Kể từ những năm 1990, kinh tế Mỹ đã trải qua một số biến động gồm: bong bóng dot-com (thời kỳ bùng nổ cổ phiếu công nghệ giai đoạn 1995-2000), khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt trong đại dịch và gần đây nhất là lạm phát cao. Xét về sức mua tương đương (PPP), tỷ lệ đóng góp của Mỹ trong kinh tế toàn cầu giảm từ 21% năm 1990 xuống còn 16% hiện nay.
Tỷ lệ đóng góp của Mỹ trong kinh tế toàn cầu. Nguồn: The Economist
Nhưng điều nhất quán kể từ đầu những năm 1990 đến nay là Mỹ vẫn tăng trưởng nhanh hơn các nước phát triển khác và phục hồi mạnh hơn từ các cú sốc. Tăng trưởng của Mỹ 3 thập kỷ qua luôn đứng đầu các nước giàu và hiện trạng cho thấy nền kinh tế này vẫn còn mạnh mẽ và tiềm năng phát triển lớn.
Tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP) giảm không phải là dấu hiệu của suy yếu mà phản ánh sự bùng nổ tăng trưởng của hai quốc gia đông dân nhất thế giới: Trung Quốc và Ấn Độ. Sản lượng bình quân đầu người Trung Quốc vẫn thấp hơn một phần ba so với Mỹ, còn Ấn Độ thì nhỏ hơn nữa.
Điều đáng chú ý hơn là cách Mỹ vượt trội so với các nền kinh tế phát triển khác. Năm 1990, Mỹ chiếm khoảng hai phần năm tổng GDP G7. Hiện tỷ lệ này đã một nửa. Tính trên đầu người, sản lượng kinh tế Mỹ đang cao hơn khoảng 40% so với Tây Âu và Canada, hơn 60% so với Nhật Bản - gấp đôi mức chênh lệch so với năm 1990. Mức lương trung bình ở bang nghèo nhất của Mỹ - Mississippi - cao hơn trung bình ở Anh, Canada và Đức.
Sự vượt trội của Mỹ gần đây còn tăng tốc. Kể từ đầu năm 2020, trước khi xảy ra đại dịch, tăng trưởng thực của nước này đã đạt 10%, gấp 3 lần trung bình của G7. Trong G20, Mỹ là nước duy nhất có sản lượng và việc làm vượt kỳ vọng trước đại dịch, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tăng trưởng này kết hợp với sức mạnh của USD mang lại lợi thế lớn cho họ. Một thập kỷ trước, nhiều nhà phân tích đoán Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thay vào đó, GDP Trung Quốc gần đây đã giảm, từ khoảng 75% so với Mỹ năm 2021 xuống còn 65% hiện nay.
Tỷ lệ đóng góp của Mỹ trong kinh tế G7. Nguồn: The Economist
Phong độ kinh tế này xuất phát từ nhiều lợi thế riêng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trước hết là nước này sở hữu thị trường tiêu dùng khổng lồ, các công ty Mỹ hưởng lợi từ quy mô. Một ý tưởng xuất phát từ California hoặc một sản phẩm được sản xuất tại Michigan có thể nhanh chóng lan rộng ra 49 bang khác.
Nước này cũng có một thị trường lao động lớn, được tích hợp tốt, cho phép mọi người di chuyển đến các công việc có mức lương tốt hơn và thu hút lao động đến các lĩnh vực sản xuất hiệu quả hơn. Biên giới phía nam dài và lỏng lẻo có thể gây tranh cãi về mặt chính trị nhưng lại là lợi thế kinh tế. Nó giúp lực lượng lao động phát triển đều đặn nhờ nhập cư và lấp đầy những công việc nặng nhọc mà nhiều người Mỹ bản địa không muốn làm.
Khi cuộc đua Trump và Harris vào giai đoạn cuối, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất so với bất kỳ cuộc bầu cử nào gần đây (ngoại trừ năm 2000) và trong vùng thấp nhất trong nửa thế kỷ. Tình trạng sa thải vẫn được kiểm soát ngay cả khi tốc độ tuyển dụng chậm lại. Với tốc độ tăng lương tiếp tục nhanh hơn lạm phát, người tiêu dùng có thể tiếp tục chi tiêu.
Không chỉ có diện tích rộng lớn, những gì nằm dưới lòng đất cũng đáng giá. Hai thập kỷ qua, tiến bộ kỹ thuật công nghệ khai thác dầu đá phiến đã đưa Mỹ thành nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới.
Bản thân nền kinh tế Mỹ còn có những thế mạnh riêng. Sở hữu thị trường tài chính sâu rộng nhất thế giới giúp các công ty khởi nghiệp dễ dàng huy động vốn, một phương thức tốt hơn so với vay nợ. Số lượng lớn các công ty trẻ đầy tiềm năng ở Mỹ cũng đã nâng cao sức hấp dẫn của thị trường nước này.
Tương tự, việc sở hữu đồng tiền thống trị toàn cầu đã làm cho thương mại quốc tế trở nên ít cản trở hơn đối với các doanh nghiệp Mỹ. Họ cũng có những trường đại học hàng đầu, thu hút được các sinh viên ưu tú từ khắp nơi trên thế giới.
Cử tri Mỹ điền phiếu bầu khi bỏ phiếu sớm tại Arlington, bang Virginia ngày 20/9. Ảnh: AFP
Lựa chọn chính sách khác cũng góp phần đáng kể. Mỹ có cách tiếp cận thoải mái hơn đối với các quy định kinh doanh so với nhiều quốc gia, tạo điều kiện cho các công ty công nghệ cao có không gian để thử nghiệm và phát triển, từng dẫn đến cuộc cách mạng khai thác dầu đá phiến.
Ngược lại, nhà kinh tế Salomon Fiedler tại ngân hàng Berenberg (Đức) nói châu Âu bị kìm hãm bởi các yếu tố dài hạn như mức thuế cao và các quy định phức tạp, dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trung bình hàng năm thấp hơn ít nhất một điểm phần trăm so với Mỹ. "Nếu khu vực đồng euro muốn bắt kịp Mỹ về mặt kinh tế, họ cần nâng cao năng suất và tăng cường đầu tư vào vốn sản xuất", ông nói.
Cách giải quyết các cuộc khủng hoảng cũng tạo nên thành công. Sau khởi đầu không suôn sẻ, Mỹ phản ứng mạnh mẽ với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, quyết liệt làm sạch bảng cân đối của các ngân hàng và sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.
Phản ứng của chính phủ đối với suy thoái do Covid-19 thậm chí còn đặc biệt hơn, với loạt gói kích thích tài chính khiến các nước khác bị bỏ lại phía sau. Giới chức thậm chí hơi quá tay, khiến lạm phát toàn cầu tăng mạnh. Dù vậy, phải thừa nhận rằng động lực mạnh mẽ của kinh tế Mỹ là tính sẵn sàng của chính phủ trong việc tung chính sách tăng tốc khi nền kinh tế gặp trục trặc. Năm nay, thâm hụt ngân sách khoảng 5,6% GDP và dự kiến tăng vào năm 2025. Trong khi, thâm hụt ở khu vực đồng euro lại giảm xuống còn 2,9% và sẽ tiếp tục giảm.
Mỹ có nhiều thành tựu nhưng cũng còn những vấn đề tồn đọng. Một đánh giá cơ bản cho bất kỳ quốc gia nào là liệu người dân của họ có sống tốt và sống lâu hay không. Dự báo của Liên Hợp Quốc cho thấy, năm 2023, tuổi thọ trung bình của người Mỹ là 79, ngắn hơn 3 năm so với mức trung bình ở Tây Âu.
Khoảng cách này gần như không tồn tại vào năm 1980. Theo Economist, điều này chủ yếu phản ánh việc ít người Mỹ sống thọ do sức khỏe - như béo phì - và các vấn đề nghiêm trọng hơn như súng đạn và đường sá không an toàn.
Người cao tuổi ở Mỹ cũng gặp khó khăn hơn. Năm 2023, một người Mỹ 60 tuổi được dự báo sống thêm trung bình 24 năm, ngắn hơn gần một năm so với châu Âu. Nhưng vào năm 1980, người Mỹ cao tuổi được dự báo sẽ sống lâu hơn người châu Âu gần một năm, tức ngược lại.
Nhiều nhà phê bình còn cho rằng mô hình kinh tế Mỹ có nhược điểm cố hữu là bị ảnh hưởng bởi bất bình đẳng gia tăng và các công ty lớn ngày càng chiếm ưu thế, chèn ép đối thủ. Tuy nhiên, Economist cho rằng đây là điều phóng đại. Việc các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Apple và Amazon thống trị cần được theo dõi và kiểm soát nếu cần. Tuy nhiên, họ cũng đã tạo ra giá trị lớn trong cuộc sống hàng ngày và thay đổi các ngành công nghiệp trì trệ. Họ đại diện cho thành công kinh tế của Mỹ nhiều hơn là các vấn đề của nó.
Phiên An (theo The Economist, Reuters, AP)
Đăng thảo luận