Đến với môn Hóa từ sở thích xem video về bệnh lý trên mạng, sau 4 năm, Tiến Hưng giành huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế (IChO) với điểm cao nhất đoàn Việt Nam.

Nguyễn Hữu Tiến Hưng, 18 tuổi, học lớp chuyên Hóa, trường THPT chuyên Bắc Ninh. Trong kỳ IChO năm nay diễn ra từ 21 đến 30/7 tại Arab Saudi, Hưng giành huy chương vàng với 77,35/100 điểm, xếp hạng 17 trên hơn 300 thí sinh.

"Cảm xúc khi đó là bất ngờ và xúc động. Lúc lên sân khấu nhận giải, em còn không biết đi đường nào", Hưng kể. "Trước đó, em chỉ nghĩ mình đủ sức giành huy chương bạc. Emm báo tin về nhà và nhận được 'cơn mưa' lời chúc từ bố mẹ, thầy cô và bạn bè".

Thành tích của Hưng góp phần giúp đoàn Việt Nam đồng hạng hai với Mỹ, trong 89 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia kỳ thi, về số huy chương vàng.

Nam sinh dẫn đầu đội tuyển Việt tại Olympic Hóa quốc tế  第1张

Nguyễn Hữu Tiến Hưng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến Hưng ấn tượng với môn Hóa từ lần đầu tiên được làm thí nghiệm, hồi lớp 8. Đó là phản ứng thổi khí vào dung dịch nước vôi trong, tạo ra kết tủa CaCO3 màu trắng. Nếu tiếp tục thổi khí, kết tủa sẽ tan ra.

"Thí nghiệm đơn giản, dùng hóa chất không độc hại nhưng tạo ra phản ứng rất đẹp nên em nhớ mãi", Hưng nói.

Ở nhà, Hưng có sở thích xem các video về các bệnh lý thường gặp trên Youtube. Em xem từ video của Ted-ed, giải thích đơn giản về tác nhân gây bệnh và sự tiến triển của bệnh, sau đó tìm hiểu sâu hơn cơ chế miễn dịch qua kênh Osmosis from Elsevier. Mỗi lần học được cách phòng và chữa các bệnh thường gặp như cảm cúm, tiêu chảy..., Hưng lại kể cho cả nhà.

Thấy Hưng đam mê, chị của em, cũng là cựu học sinh lớp chuyên Hóa trường THPT chuyên Bắc Ninh, khuyên em học Hóa để sau thi đỗ trường Y. Hưng được dẫn đi gặp các bạn của chị, nghe về bí quyết học Hóa hiệu quả và những cơ hội nếu đi theo con đường này.

Được truyền cảm hứng, Hưng bắt đầu ôn thi chuyên, từ đầu năm lớp 9. Nam sinh tìm đọc sách Hóa được giảng dạy ở các trường đại học ở Anh và Mỹ. Trong đó, cuốn Organic Chemistry của David Klein đã giúp Hưng nắm kiến thức nền tảng về hóa học hữu cơ. Còn kiến thức Hóa nâng cao không nằm trong một giáo trình cụ thể, nên nam sinh chắt lọc từ nhiều nguồn.

Lên cấp 3, Hưng biết đến Olympic Hóa học quốc tế từ thầy Trần Đình Hiếu, chủ nhân huy chương bạc IChO 2015. Nghe về những đêm thức khuya học bài, miệt mài giải các vấn đề Hóa nâng cao, Hưng cũng muốn trải nghiệm quá trình đó, để một ngày có thể giành huy chương.

Tiến Hưng vượt qua từng vòng chọn đội tuyển trường, thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia rồi vào nhóm 4 thí sinh đại diện Việt Nam thi IChO. Cô Vũ Thị Len, chủ nhiệm lớp chuyên Hóa, chia sẻ sau mỗi vòng thi như vậy, cô càng tin tưởng vào khả năng giành huy chương của em.

"Hưng coi mỗi vòng thi là một lần thử sức nên luôn nghiêm túc và cố gắng hết mình", cô nói.

Từ tháng 6/2024, đội tuyển IChO học tập trung ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Các em thường học vào buổi sáng, xen kẽ lý thuyết và thực hành, còn buổi tối ôn bài. Ngoài giờ học, bốn chàng trai rủ nhau xem phim, đạp xe, khám phá ẩm thực phố cổ.

Trong hai buổi thi, Tiến Hưng đã vượt qua lo lắng ban đầu và làm tốt. Ở bài thi thực hành kéo dài 5 tiếng, thí sinh phải xác định các hóa chất mất nhãn, sử dụng kỹ thuật sắc ký bản mỏng. Hưng nói, trong thời gian ôn đội tuyển đã thực hành ở nhiều phòng thí nghiệm khác nhau nên em không bị tâm lý xa lạ, cuống quýt khi làm bài.

"Cách bày trí dụng cụ, hóa chất mỗi nơi mỗi khác, nên chúng em phải học cách quan sát và thích nghi nhanh chóng", Hưng nói.

Còn ở phần thi lý thuyết, gồm 9 câu, chấm trên thang điểm 60, nam sinh ấn tượng với câu hỏi của nhà tài trợ về polymer vì có tính thực tiễn cao. Cụ thể, đề bài giới thiệu về chất xúc tác mới được ứng dụng trong quy trình sản xuất của công ty, từ đó yêu cầu thí sinh nêu ra tính chất của chất, thời gian phản ứng và sản phẩm cuối cùng.

Nam sinh dẫn đầu đội tuyển Việt tại Olympic Hóa quốc tế  第2张

Tiến Hưng trở về từ Olympic Hóa học quốc tế, ngày 31/7. Ảnh: Fanpage trường THPT chuyên Bắc Ninh

Đối với Tiến Hưng, 10 ngày đi thi không chỉ là cơ hội tranh tài, mà còn là chuyến du lịch đích thực. Trong cái nóng Trung Đông gần 50 độ, em đã tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, mặc thử trang phục truyền thống và trải nghiệm đời sống ở khu chợ cổ. Hưng cũng quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua những món quà lưu niệm tặng các bạn.

"Em không thạo tiếng Anh nhưng kể về Việt Nam với các bạn rất nhiều", Hưng nói. "Giờ em có bạn ở Áo, Thụy Sĩ và Trung Quốc rồi".

Tiến Hưng sẽ bắt đầu 6 năm học bác sĩ đa khoa ở Đại học Y Hà Nội vào mùa thu tới.

Phương Anh