Để đủ sức làm việc, học hành nhiều người trẻ Hàn Quốc tìm đến phương pháp truyền hỗn hợp dinh dưỡng gồm các loại vitamin và nước muối vào tĩnh mạch.
Báo cáo tháng 6 của ngành công nghiệp làm đẹp Hàn Quốc Medical Aesthetics News cho biết phương pháp này ban đầu sử dụng trong điều trị ung thư, tăng sức khỏe xương khớp và hỗ trợ tăng trưởng vóc dáng. Nhưng nay nó được áp dụng trong lĩnh vực y học thẩm mỹ.
Tại phòng khám thẩm mỹ Tox & Fill ở Seoul, chi phí truyền dịch dao động 25.000-60.000 won. Đơn vị này khuyên khách hàng nên truyền dịch hàng tuần để tăng sức khỏe.
Tùy nhu cầu, khách hàng có thể chọn các dung dịch truyền khác nhau với tác dụng làm chậm lão hóa, giảm mệt mỏi hoặc phục hồi làn da.
Nhiều thanh niên Hàn Quốc, Trung Quốc cho rằng truyền dịch qua tĩnh mạch sẽ giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi. Ảnh: Weixin
Các chuyên gia cho rằng xu hướng này bắt đầu từ năm 2016, 2017, trùng thời điểm cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị điều tra vì tội tham nhũng. Quốc hội Hàn Quốc khi đó tiết lộ chính quyền của bà Park đã mua 31 loại thuốc truyền tĩnh mạch, giá trị 20 triệu won từ tháng 3/2013 đến tháng 8/2016.
Việc truyền thông đưa tin khiến nhiều người tò mò với phương pháp điều trị này. Đặc biệt là nhóm lao động kiệt sức.
Kim Jong-wan, 30 tuổi ở Seoul cũng thường xuyên sử dụng phương pháp này. "Các chai truyền dịch mang lại kết quả nhanh chóng. Nhưng nhân viên phải chịu áp lực cao như tôi đang dựa vào các giọt dinh dưỡng để tồn tại", Kim nói.
Khảo sát của tờ Asian Daily của Hàn Quốc cho thấy hơn 50% người trẻ cảm thấy kiệt sức về tinh thần và thể chất vì áp lực theo đuổi thành công.
Shen Hui, sinh viên người Trung Quốc tại Đại học Ewha, Seoul luôn phải cạnh tranh thứ hạng với bạn học. Cô chọn phương pháp truyền dịch và nhận thấy những lợi ích đáng kể.
"Truyền dịch không gây đau đớn. Bác sĩ khuyên những người hay thức khuya như tôi nên dùng phương pháp truyền dịch tỏi (thành phần chính là vitamin B1) để giảm mệt mỏi", Shen nói.
Shasha, 24 tuổi, du học sinh tại Hàn Quốc dự định thử truyền dịch Cinderella (hỗn hợp chứa axit alpha-lipoic và vitamin C). Cô gái quê ở Vân Nam, Trung Quốc cho biết bạn cùng phòng đã truyền dung dịch này trong 6 tháng và thấy rõ sự thay đổi tích cực của làn da.
"Nhưng cũng không thể phủ nhận thói quen tập thể dục cùng chế độ ăn uống khoa học cũng có tác dụng đáng kể với sức khỏe", Shasha nói.
Được nhiều người trẻ tin dùng nhưng các chuyên gia khuyến cáo rủi ro về sức khỏe nếu lệ thuộc vào phương pháp truyền tĩnh mạch. Ảnh minh họa: Freepik/shahariarpartho
Deng Guifang, chuyên gia dinh dưỡng tại bệnh viện Xiehe Thâm Quyến thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc), cho biết việc truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch sẽ bỏ qua hệ thống màng lọc của cơ thể, làm tăng nguy cơ gây ra các phản ứng nghiêm trọng như viêm tĩnh mạch.
Bà khuyên mỗi cá nhân nên tập trung vào dinh dưỡng đường ruột và tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng để có sức khỏe toàn diện.
Một nghiên cứu năm 2021 của Cơ quan hợp tác chăm sóc sức khỏe dựa trên bằng chứng quốc gia Hàn Quốc cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng với phương pháp truyền tĩnh mạch. Nghiên cứu không tìm thấy đủ bằng chứng cho thấy độ hiệu quả của phương pháp nhưng tồn tại rất nhiều rủi ro tiềm ẩn của tác dụng phụ, bao gồm cả sốc phản vệ.
Ki Moon-sang, giám đốc Phòng khám thẩm mỹ y khoa Enbi tại Hàn Quốc, nói nên xem truyền dịch tĩnh mạch là phương pháp phòng ngừa và bổ sung dinh dưỡng hơn là điều trị. Ông khuyên người dân không nên quá phụ thuộc hoặc đặt lòng tin sai chỗ.
Minh Phương (Theo SCMP)
Đăng thảo luận