Các chuyên gia quốc tế và các tổ chức tài chính đánh giá Việt Nam cần đến hàng trăm tỉ USD nguồn tài chính xanh, tài chính khí hậu để chuyển đổi xanh nhưng thực tế nguồn vốn giải ngân rất thấp.
Các doanh nghiệp dệt may đang chuyển đổi xanh khi tăng dùng điện từ năng lượng tái tạo, sản xuất các sản phẩm áo quần từ vật liệu tái chế... - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2024 với chủ đề "Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero" do tạp chí Kinh Tế Sài Gòn tổ chức ngày 19-9, ông Darryl J. Dong, đại diện cấp cao phụ trách văn phòng TP.HCM của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), cho rằng Việt Nam buộc phải tăng đầu tư tài chính vào chống biến đổi khí hậu.
Ông Darryl J. Dong cho rằng theo ước tính của World Bank, Việt Nam cần 368 tỉ USD vào năm 2040 để tài trợ cho cơ sở hạ tầng, công nghệ mới và các chương trình xã hội cho quá trình chuyển đổi xanh.
Còn trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cần huy động hàng trăm tỉ USD để ứng phó với biến đổi khí hậu, song nguồn vốn tư nhân sẽ khó đáp ứng được nhu cầu này.
Hàng trăm tỉ đồng tín chỉ carbon 'mắc kẹt'
Tập đoàn Thái Lan cho ra lò xi măng giảm 20% phát thải carbon ở Việt Nam
Ông Darryl J. Dong chỉ ra thực tế hiện nhu cầu vốn và tài chính xanh rất lớn đối với Việt Nam và các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện khả năng tiếp cận vốn trong lĩnh vực tài chính khí hậu còn hạn chế, nguồn tín dụng xanh của các ngân hàng nội địa mới chỉ chiếm tỉ trọng 4,5%, trong khi lẽ ra ngân hàng phải là nơi cấp vốn chủ lực.
Do đó, ông Darryl J. Dong ví von một sự thật đáng buồn là nhu cầu nguồn tài chính xanh, tài chính khí hậu như một bức tường khổng lồ, song cánh cửa cho tài chính khí hậu ở Việt Nam chỉ mới hé mở một chút.
Để mở cánh cửa tài chính này, chuyên gia của IFC cho rằng quy định pháp lý rất quan trọng, thị trường tài chính khí hậu sẽ không thể phát triển nếu các quy định còn mơ hồ, do đó cần xây dựng một khung pháp lý khí hậu tốt để kéo các nhà đầu tư đến, tài trợ vốn.
Bên cạnh đó, ông Darryl J. Dong cũng cho rằng cần thực thi giải pháp "tài chính hỗn hợp", tức kết hợp của vốn ưu đãi và thương mại, từ đó kỳ vọng giảm tổng chi phí giao dịch, giúp cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận của dự án. Đồng thời, Việt Nam phải thúc đẩy các dự án có khả năng tiếp cận được với các ngân hàng nhiều hơn…
Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và nhiều thách thức về rào cản ở thị trường trường quốc tế, doanh nghiệp cần hành động và việc thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị) để hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh.
Theo ông Việt, ESG là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu nhận thức và hiểu biết về thực hành ESG. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư lớn cũng là rào cản đối với các doanh nghiệp.
Do đó, ông Việt cho rằng các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực như vốn, công nghệ, kỹ thuật, nhân lực, quản trị cũng như liên kết với các doanh nghiệp FDI để đáp ứng các chuẩn mực và vượt qua rào cản mới trong thương mại quốc tế.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng Chính phủ và các cơ quan nhà nước cần cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời và ban hành hướng dẫn thực hiện các chiến lược chính sách chuyển đổi xanh.
Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện khung chính sách về giảm phát thải carbon như thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh. Nhà nước cần thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh.
Đăng thảo luận