Trân trọng quá khứ

Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa, kiến trúc, giai đoạn 1954 – 1956, nhiều công trình được thiết kế với những nguyên tắc định hình hiện đại, tiến bộ, mang tính lịch sử xã hội đáng trân trọng.

Nhà tập thể thời bao cấp - nơi lưu giữ di sản kiến trúc  第1张 Khu tập thể Giảng Võ. Ảnh: Hải Linh  

Những công trình kiến trúc đó có thể là một trung tâm công nghiệp sản xuất quy mô lớn, tiêu biểu như cụm công nghiệp Cao – Xà – Lá, lại có thể là trung tâm văn hóa – xã hội như Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Cung Thiếu nhi Hà Nội. Thêm vào đó là các trụ sở bộ, ngành  và  nhiều khu tập thể như Kim Liên, Trung Tự, Nghĩa Tân, Thành Công… mang tinh thần xã hội chủ nghĩa, tôn vinh các giá trị cộng đồng.

Trong đó, những khu tập thể là loại hình kiến trúc còn in sâu trong ký ức của nhiều người dân Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Từ cuối những năm 1959, ở những khu tập thể như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, cư dân ở rất đông. Họ ở rất chật chội, sử dụng chung nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh… Tất cả tạo ra một cuộc sống cộng đồng tuy khó khăn nhưng đó là những khát vọng, ước mơ trong thời bao cấp” .

Trước những bất cập đó, khu tập thể Kim Liên đã rút kinh nghiệm không thiết kế không gian rộng 4 - 5 phòng mà thiết kế căn hộ 2 phòng nhỏ để tiện phân chia và thiết kế căn hộ có bếp và phòng tắm riêng. Theo tiêu chuẩn thiết kế lúc đó, bếp chung chỉ có 6m2 nên các hộ có bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng sẽ chỉ có bếp riêng rộng 1m2.

Nhận xét về các mạng lưới di sản kiến trúc thời bao cấp ở Hà Nội, KTS - họa sĩ Vũ Hiệp - giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết: “Về giá trị thẩm mỹ của kiến trúc thời kỳ này được tạo hình theo lối hiện đại, tiết chế các họa tiết trang trí. Mặc dù các kiến trúc sư có ảnh hưởng từ hơi hướng của Pháp nhưng lại rất có ý thức gìn giữ giá trị truyền thống, xây dựng nền kiến trúc mới hiện đại của Việt Nam độc lập khác so với thời kỳ trước”.

Kiến trúc thời bao cấp bị lãng quên

Hiện nay, những công trình kiến trúc thời bao cấp dần xuống cấp, một số bị phá huỷ để xây dựng những khu chung cư, văn phòng cao cấp; nhiều nhà tập thể bị cải tạo, đeo thêm “chuồng cọp” làm sai lệch so với vẻ đẹp ban đầu.

Theo điều tra xã hội học của KTS Vũ Hiệp, khi được hỏi kiến trúc nào đại diện cho bản sắc Hà Nội, có tới 56% người được hỏi cho rằng đó là kiến trúc truyền thống. Tiếp theo, có 18% cho rằng đó là kiến trúc Pháp, 17% chọn kiến trúc đương đại, chỉ có 9% cho rằng kiến trúc thời bao cấp đại diện cho bản sắc Hà Nội. Lý do được đưa ra là do những công trình này được xây dựng trong giai đoạn đất nước khó khăn (1954 - 1986) nên quy mô, sự phong phú về hình khối, cũng như chất lượng vật liệu không bằng các giai đoạn khác.

KTS Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng dựa trên điều tra này có thể thấy kiến trúc thời bao cấp là một nhóm đối tượng đang bị mờ, nếu so với di tích phong kiến, di tích Pháp thuộc. KTS Lê Thành Vinh cho rằng, hiện nay là thời điểm mà các dấu tích thời bao cấp bắt đầu được nhìn nhận đúng hơn.

Mặt khác, theo các chuyên gia, dù biến dạng và lỗi thời, thậm chí là nhếch nhác, nhưng khu tập thể vẫn là di sản tinh thần của thời kỳ gian khó. Hơn thế, nó còn mang giá trị cộng đồng và bản sắc văn hóa riêng. Trân trọng quá khứ, bảo tồn di sản cho tương lai để tiếp nối lịch sử, theo các chuyên gia, cần xem xét hướng tiếp cận bảo tồn các khu tập thể. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng có thể nghiên cứu phân loại một số tòa nhà tập thể như Kim Liên, Trung Tự, nơi có nhiều câu chuyện để kể và bảo tàng hóa ngôi nhà đó.