Thành công của Indonesia đến từ sự kết hợp hoàn hảo giữa cầu thủ nhập tịch, HLV tài năng và chiến lược rõ ràng, sao Việt Nam không học hỏi?

Trong thế giới bóng đá, thành công không phải là thứ có thể đến một cách ngẫu nhiên. Nó thường là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố then chốt: chất lượng cầu thủ, sự phù hợp của huấn luyện viên và chiến lược phát triển của Liên đoàn bóng đá quốc gia. Mỗi yếu tố đóng vai trò quan trọng và sự cân bằng giữa chúng sẽ quyết định tương lai của một đội tuyển.

Câu chuyện của bóng đá Indonesia và Việt Nam gần đây là minh chứng rõ ràng cho nhận định trên. Điều gì đang tạo nên thành công của bóng đá Indonesia? Gần đây, bóng đá Indonesia đã trở thành một hiện tượng đáng chú ý ở Đông Nam Á. Họ liên tiếp có được những thành tích đáng khích lệ với chức vô địch SEA Games 2023, lọt vào bán kết giải U23 châu Á, và gần nhất đội tuyển quốc gia Indonesia giành được hai điểm sau hai trận hòa trước Saudi Arabia và Australia tại vòng loại thứ ba World Cup 2026.

Indonesia sở hữu một lứa cầu thủ trẻ đầy tiềm năng, được đào tạo bài bản từ các cấp độ trẻ và đã chơi cùng nhau trong nhiều năm. Họ phát triển không chỉ về mặt kỹ thuật, chiến thuật mà còn có sự kết nối đội hình rất tốt. Đặc biệt, sự góp mặt của các cầu thủ nhập tịch gốc Hà Lan đã tăng cường sức mạnh đáng kể cho đội tuyển. Những cầu thủ này không chỉ có thể chất vượt trội mà còn sở hữu trình độ chuyên môn cao, từng chơi bóng ở các giải đấu chuyên nghiệp châu Âu, giúp nâng tầm đội tuyển quốc gia.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của HLV Shin Tae Yong là một nhân tố then chốt. Ông là người phù hợp với phong cách bóng đá của Indonesia, giúp định hình lại lối chơi tấn công chủ động, đồng thời xây dựng một tinh thần chiến đấu kiên cường trong đội. HLV Shin không chỉ đem đến kiến thức chiến thuật mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết và khát khao chiến thắng của các cầu thủ trẻ.

Cuối cùng, sự đúng đắn trong chiến lược của Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) khi tập trung vào việc nhập tịch cầu thủ chất lượng từ Hà Lan đã tạo ra một đội hình đa dạng và mạnh mẽ. Đây là một bước đi thông minh, giúp Indonesia nhanh chóng cải thiện năng lực thi đấu và có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực.

>> Sốt ruột nhập tịch cầu thủ để bóng đá Việt 'đi tắt đón đầu'

Trong khi đó, nhìn sang bóng đá Việt Nam, từ thăng hoa đến khó khăn, chúng ta cũng từng trải qua một hành trình tương tự như Indonesia. Năm 2018, đội tuyển U23 Việt Nam đã tạo nên một kỳ tích lịch sử khi giành ngôi Á quân giải U23 châu Á tại Thường Châu. Lứa cầu thủ trẻ như Quang Hải, Công Phượng, và Đoàn Văn Hậu nổi lên như một thế hệ vàng cho bóng đá Việt, mang lại niềm tự hào cho hàng triệu người hâm mộ.

Sự thăng hoa của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn này cũng không thể không nhắc đến công lao của HLV Park Hang-seo. Ông đã biến đổi toàn bộ lối chơi của đội tuyển, mang đến một phong cách phòng ngự phản công đầy hiệu quả và xây dựng tinh thần chiến đấu mạnh mẽ. Dưới sự dẫn dắt của ông Park, bóng đá Việt Nam không chỉ thành công ở Đông Nam Á mà còn ghi dấu ấn ở đấu trường châu lục.

Tuy nhiên, hiện nay bóng đá Việt Nam đang đối mặt với một giai đoạn khó khăn. Lứa cầu thủ ngày nào đã chững lại về phong độ, và nhiều cầu thủ thậm chí đang có dấu hiệu sa sút. Trong khi đó, thế hệ trẻ kế cận vẫn còn non kinh nghiệm, chưa đủ khả năng để gánh vác trách nhiệm lớn lao trên đấu trường quốc tế.

Thêm vào đó, quyết định lựa chọn HLV Philippe Troussier đã không mang lại kết quả như mong đợi. Kể từ khi ông thầy người Pháp nắm quyền, bóng đá Việt liên tiếp thất bại tại các giải đấu quan trọng. Lối chơi của đội không rõ ràng và dường như thiếu sự gắn kết giữa các cầu thủ. Việc VFF chấm dứt sớm hợp đồng với HLV Troussier đã xác nhận sự không phù hợp của ông với bóng đá Việt Nam.

Có thể nói VFF cũng có những sai lầm nhất định dẫn đến việc bóng đá Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Ngoài sai lầm trong việc lựa chọn huấn luyện viên, thì việc không tích cực đẩy mạnh quá trình nhập tịch những cầu thủ chất lượng cũng là một điểm yếu trong chiến lược phát triển dài hạn. Trong khi các đội tuyển khác như Indonesia đã tận dụng triệt để lợi thế này, Việt Nam vẫn chưa có động thái cụ thể, khiến đội tuyển gặp nhiều trở ngại trong việc cải thiện lực lượng.

VFF cũng có phần vội vã khi muốn ngay lập tức nâng tầm bóng đá Việt Nam với lối chơi kiểm soát bóng hiện đại. Điều này là không sai, nhưng xét về thực lực hiện nay thì quả thực chưa phù hợp với trình độ và thể chất của các cầu thủ Việt.

Câu chuyện của bóng đá Indonesia và Việt Nam cho thấy tầm quan trọng của việc hội đủ ba yếu tố: cầu thủ, huấn luyện viên và chiến lược từ Liên đoàn. Nếu một đội tuyển không đảm bảo được sự cân bằng này, thành công sẽ khó mà bền vững. Indonesia đã tạo ra một mô hình thành công nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa cầu thủ nhập tịch chất lượng, một huấn luyện viên tài năng và chiến lược rõ ràng từ Liên đoàn.

Trong khi đó, Việt Nam cần nhanh chóng điều chỉnh lại chiến lược và tìm kiếm sự cân bằng giữa ba yếu tố quan trọng này nếu muốn trở lại thời kỳ đỉnh cao. Việc đầu tư vào lứa cầu thủ trẻ, lựa chọn một HLV phù hợp và xây dựng chiến lược nhập tịch thông minh sẽ là những bước đi cần thiết để đưa bóng đá Việt Nam trở lại đường đua.

Anh NT