'Vừa thất nghiệp, vừa mắc nợ, nhưng tôi không thể nói với cô dâu, chú rể rằng mình không có nổi 200.000 đồng để bỏ phong bì mừng cưới họ'.

"Có những lúc, tôi thực sự bất lực trước những tấm thiệp mời cưới mà mình nhận được. Vừa thất nghiệp, vừa mắc nợ, lại nặng gánh vợ con (vợ tôi cũng thất nghiêp), nhưng tôi không thể nói với người mời cưới rằng mình không thể có đủ 200.000 đồng để bỏ phong bì mừng cưới họ, trong khi không đi cũng khó coi. Bản thân tôi cũng đang mắc nợ mọi người vì trước đây họ đều đi cưới mình.

Và rồi, với tâm thế 'sự hiện diện của bạn là niềm vinh dự của chúng tôi' trên trên tấm thiệp mời, tôi đã nhăm mắt đánh liều đi cưới họ với chiếc phong bì 100.000 đồng. Tất nhiên, để đến được đám cưới, tôi cũng mất thêm tiền đi xe ôm (cả đi lần về hết 100.000 đồng nữa).

Vậy mới nói, trong cuộc sống có những điều rất khổ tâm nhưng không phải ai cũng nói ra được. Nếu bạn mừng tiệc không nhất thiết phải mời hết mọi người; hay khi mời cũng chỉ nên nhìn vào túi tiền của mình, tùy sức của bản thân mà đãi tiệc trong khả năng, chứ đừng nhìn vào túi tiền của khách. Đừng để những chuyện vui trở thành lý do khiến chúng ta ngại gặp nhau và rồi tạm biệt nhau".

Đó là chia sẻ của độc giả Một ngàn người xung quanh câu chuyện "đau đầu vì lạm phát tiền mừng cưới". Thực tế, chi phí tổ chức đám cưới ngày càng cao là nguyên nhân chính khiến các khách mời cũng cảm thấy áp lực phải mừng nhiều hơn. Chủ đề "số tiền mừng cưới phù hợp là bao nhiêu?" trở thành tâm điểm thảo luận của cư dân mạng mỗi khi mùa cưới đến. Nhiều ý kiến cho rằng mức tiền mừng nên được tính dựa trên mức độ thân thiết của khách và chủ nhà. Tuy nhiên, số khác lại coi việc đến dự tiệc cưới mà mừng ít là hành động thiếu lịch sự.

>> Tôi mừng cưới bạn một chỉ vàng, bạn mừng lại một triệu đồng

Không đặt nặng chuyện tiền mừng cưới, bạn đọc Trực Ngôn bình luận: "Thời buổi kinh tế khó khăn, kiếm tiền chật vật, theo tôi tổ chức đám cưới nên đãi tiệc trà, sẽ thoải mái và nhẹ gánh cho cả đôi bên. Đến dự đám cưới, chuyện ăn uống chỉ là phụ, chúc phúc cho cô dâu, chú rể mới là chính. Nếu cứ tổ chức tiệc rượu, ăn uống linh đình, mà phải tính toán lời - lỗ như thế cũng rất đau đầu. Rồi còn bình phẩm tiệc này sang, ngon; tiệc kia đồ ăn dở... cũng chẳng hay ho gì.

Nếu giảm được áp lực phong bì, số khách 'gửi tiền mừng' sẽ giảm, số khách 'hiện diện quý báu, là niềm vinh dự' sẽ tăng lên. Vì vui là chính chứ không phải ăn là chính. Khi nhỏ, tôi còn nhớ đi dự các tiệc cưới đa phần là tiệc trà, dẫu không phải nhà người ta nghèo, lại sống giữa Sài Gòn hoa lệ. Thế nhưng, tiệc cưới ngày đó vẫn rất vui".

Nói về thực tế đám cưới ngày nay, độc giả Sông Đông êm đềm so sánh: "Nếu làm đám cưới chỉ nghĩ đến chuyện tiền mừng thì tốt nhất trên thiệp mời nên thay dòng chữ 'sự hiện diện của quý vị là niềm vinh hạnh với gia đình chúng tôi' bằng câu 'tiền mừng của quý vị là niềm hân hoan với gia đình chúng tôi' thì đúng hơn".

Trong khi đó, bạn đọc Masktv lại có cái nhìn khác về câu chuyện mừng cưới: "Tôi thường nhìn địa điểm người ta tổ chức tiệc cưới trên thiệp để gửi tiền mừng cho tương xứng. Ví dụ tiệc cưới được tổ chức ở địa điểm bình dân thì tôi mừng 500.000 đồng; còn nếu là nơi sang trọng thì tôi mừng một đến hai triệu đồng. Có như vậy thì người mời mới vui được, mà mình cũng không phải suy nghĩ mừng vậy nhiều hay ít. Suy cho cùng, ai cũng chỉ có một ngày cưới để vui thôi".

Lê Phạm tổng hợp