Đi bộ qua đường phố vắng vẻ ở Pokrovsk, Galyna không lo lắng trước nguy cơ Nga tiến vào kiểm soát thành phố chiến lược của Ukraine tại Donetsk.
Bà Galyna đi bộ về nhà giữa tiếng pháo, trước khi bắt đầu thời gian giới nghiêm từ 15h hôm trước tới 11h hôm sau được chính quyền thành phố Pokrovsk áp đặt từ khi Nga tăng cường pháo kích.
"Tôi không sợ. Tại sao tôi phải sợ? Chúng tôi sẽ không đi đâu hết. Đây là quê hương tôi. Tôi ủng hộ hòa bình", người phụ nữ 53 tuổi nói.
Người phụ nữ đi qua một tòa nhà bị phá hủy tại thành phố Pokrovsk ngày 24/9. Ảnh: AFP
Bà là một trong hàng nghìn người ở Pokrovsk từ chối di tản, bất chấp nỗ lực thuyết phục của các đội tình nguyện. Theo chính quyền thành phố, thời gian sơ tán của dân thường sắp hết.
Pokrovsk là giao điểm giữa nhiều tuyến đường sắt và đường bộ quan trọng, được đánh giá là trung tâm hậu cần trọng yếu giúp ngăn phòng tuyến Ukraine trong khu vực sụp đổ trên diện rộng. Tuyến cao tốc nối giữa Pokrovsk với thành phố Konstantinovka, phía tây nam Bakhmut, từ lâu đã là mục tiêu mà Nga muốn khống chế.
Việc Pokrovsk thất thủ sẽ khiến Nga có thể tiến xa hơn về phía tây, cắt đứt tuyến tiếp tế của Ukraine, gây ra thảm họa về tác chiến cho Kiev.
Quân đội Nga gần đây tuyên bố đạt nhiều bước tiến ở mặt trận Pokrovsk, với các mũi tấn công đang dần khép vòng vây và chỉ còn cách thành phố khoảng 10 km. Dân số thành phố đã giảm từ 48.000 người xuống 16.000 người trong một tháng.
Những người ở lại trì hoãn di tản vì nhiều lý do. Có người không muốn xa nhà và nghỉ việc, hoặc chán chường vì từng phải sơ tán. Số khác lặng lẽ chờ quân đội Nga tiến vào. "Không có quốc gia xấu, chỉ có người xấu, anh hiểu ý tôi chứ?", bà Galyna nói.
Các nhóm vận động sơ tán cho hay đã gặp một số người ở lại vì mang quan điểm ủng hộ Nga. Họ cho rằng điều này là do thông tin tuyên truyền từ phía Nga. "Có những trường hợp như vậy nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, không quá lớn", Pavlo Diachenko, phát ngôn viên cảnh sát Pokrovsk, nói.
Alina Subotina, điều phối viên sơ tán của tổ chức Thế hệ Trẻ em Mới, tìm cách thuyết phục người dân rời đi bằng cách đề cập đến những thành phố bị phá hủy vì chiến sự như Bakhmut và Avdeevka. "Chúng tôi phải nói với họ các thành phố đó đổ nát đến mức nào, không có gì tốt đẹp chờ đợi họ nếu ở lại, họ cần phải di tản ngay", Subotina nói.
Người đi lễ nhà thờ ở Pokrovsk ngày 21/9. Ảnh: AFP
Trên ghế băng trước nhà thờ Okrovsk, ông Sergei, 82 tuổi, tỏ vẻ thờ ơ trước khả năng quân đội Nga tiến vào thành phố. "Người ta vẫn đang sống bình thường ở các vùng do Nga kiểm soát", ông nói.
"Chúng tôi nghĩ gì về người Nga ư? Người Nga từ xưa tới nay vẫn là bạn bè, là đồng chí. Tất cả sự hỗn loạn này bắt đầu năm 1990", bà Nina, 82 tuổi, bạn của ông Sergei, cho hay, đề cập tình hình quan hệ xấu đi giữa Nga và Ukraine sau khi Liên Xô tan rã.
Vùng Donbass, gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk, trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, khiến hơn 14.000 người thiệt mạng, sau khi nhiều người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào ly khai.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/9 cho biết mục tiêu chính của ông là kiểm soát toàn bộ vùng Donbass. Ông khẳng định chiến dịch của Ukraine tại Kursk đã thất bại trong mục tiêu buộc Nga tái bố trí lực lượng và các đơn vị của Moskva đang tiến vào Donbass với tốc độ "nhanh chưa từng thấy".
Vị trí Pokrovsk. Đồ họa:Guardian
Olena, cư dân Pokrovsk, cho rằng cuộc sống ở đây vẫn tiếp diễn bình thường nếu quân đội Nga giành được thành phố. "Chúng tôi có khoai tây, chúng tôi không thể chết đói", bà nói. Olena từng rời quê hương năm 2022 và đã sẵn sàng làm mọi thứ để không phải đi sơ tán lần hai.
Các nhóm tình nguyện viên không thể làm gì nhiều bởi họ bị cấm cưỡng ép người dân di tản. "Người ta sẽ ở lại. Họ đã quyết tâm bám trụ. Chúng tôi sẽ giúp họ chừng nào còn có thể", Subotina nói. Cô cho hay người dân địa phương thường đưa quyết định vào phút chót nhưng khi đó là quá muộn để các đội sơ tán giúp đỡ.
Trong khi đó, những người như bà Galyna vẫn không thay đổi suy nghĩ. "Nếu tôi chết, chí ít tôi sẽ chết trên quê hương mình", bà nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Đăng thảo luận