Mỗi lần hỏi thăm và nhận được câu trả lời 'cháu bỏ học rồi', tôi lại băn khoăn, không biết tương lai đứa trẻ này sẽ ra sao.

Sáng nay, trong lúc hàng triệu học sinh khắp mọi miền Tổ quốc nô nức, phấn khởi đi dự Lễ khai giảng năm học mới, thì tôi vẫn thấy cậu bé chừng 15, 16 tuổi đạp xe lòng vòng trên con đường quanh khu nhà, tôi hỏi: Sao giờ này cháu còn ở đây, hôm nay là ngày khai giảng năm học mới mà cháu không đi à?

Cậu bé nhìn xa xăm, trả lời nhát gừng: "Cháu không còn đi học nữa, cháu đã bỏ học từ năm ngoái rồi". Tôi ngạc nhiên giây lát, nhìn thằng bé trắng trẻo, cao ráo, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, nhưng ẩn sâu trong đôi mắt là nỗi buồn chất chứa một cảm xúc sâu sắc có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý và cuộc sống của cháu mà lòng tôi thắt lại.

Rồi cháu nói tiếp: "Cháu bỏ học từ năm ngoái vì thi không đỗ vào lớp 10. Đi học trường tư thì vừa xa, vừa tốn nên bố mẹ không cho đi".

Cách đây hơn 10 năm, trong buổi liên hoan cho nhóm bạn của con trai tôi chia tay hết cấp một để mỗi cháu vào lớp 6 ở mỗi trường khác nhau, tôi cũng đã nghẹn lòng vì có một cháu nói không đi học nữa vì cha mẹ đi tù, không ai nuôi được. Khi đó tôi đã buồn rất nhiều, vì khi đó chắc chắn cháu chỉ dừng lại ở việc đọc thông, viết thạo, làm các phép tính đơn giản.

Bốn năm sau đó, cũng nhóm bạn của con trai tôi chia tay để vào lớp 10, tôi lại bất ngờ lần thứ hai khi hỏi một trong cháu thì được biết: "Cháu không thi vào cấp 3 nữa chú ạ". Tôi cứ tưởng, có thể cháu lựa chọn học trường nghề để phù hợp với khả năng và hoàn cảnh gia đình của cháu. Nhưng không, cháu bỏ học vì những lý do cá nhân, vì hoàn cảnh gia đình bố mẹ chia tay, mỗi người một nơi, không ai quan tâm, lo lắng cho con cái được trọn vẹn. Họ bỏ mặc con. Tôi đã lặng người đi lần nữa.

Đợt này, đây là lần thứ ba, khi được tiếp xúc trực tiếp, được hỏi cặn kẽ lý do, nguyên nhân vì sao những đứa trẻ phải từ bỏ con đường học tập, khi chưa hoàn thành chương trình cơ bản, tối thiếu mà mỗi học sinh phải được quyền tiếp cận đến hết lớp 12.

Cháu trả lời tôi, do thi vào lớp 10 công lập không đỗ, trường tư thì lại quá xa, nhà thì cũng không đủ điều kiện nên cháu đành bỏ dở việc học. Nghe cháu nói vậy, thực sự tôi rất buồn xen lẫn cảm giác thấy bất lực nếu như mình không làm điều gì đó để cháu có cơ hội được cắp sách tới trường.

Chúng ta phải nhận thấy rằng, việc học hết bậc trung học phổ thông giữ vai trò quan trọng trong thời đại mới, không chỉ vì nó cung cấp kiến thức cơ bản mà còn vì nhiều lý do khác liên quan đến phát triển cá nhân, xã hội, và nghề nghiệp.

Nếu được học hết bậc phổ thông sẽ được cung cấp nền tảng kiến thức cơ bản trong các lĩnh vực như toán học, khoa học, ngôn ngữ, và giao tiếp xã hội. Những kiến thức này là cơ sở để hiểu biết sâu hơn trong học tập và nghề nghiệp sau này. Đồng thời sẽ nắm được các kỹ năng học thuật như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, và khả năng nghiên cứu đều được phát triển qua chương trình, giúp học sinh chuẩn bị cho việc học tập cấp cao hơn, kể cả học nghề.

Việc chứng kiến học sinh không hoàn tất bậc học cấp hai, ba thực sự là một tình huống đau lòng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ không thể theo học hết bậc học phổ thông, trong đó có những lý do như khó khăn về tài chính, thiếu điều kiện kinh tế vì gia đình có thu nhập thấp có thể không đủ khả năng chi trả các chi phí liên quan đến giáo dục, từ học phí đến các khoản chi phí học tập khác.

Nguyên nhân thứ hai là thiếu cơ sở vật chất trường lớp. Dù có nhiều trường học, nhưng vẫn có thể tồn tại sự thiếu hụt về cơ sở vật chất hoặc điều kiện học tập ở một số khu vực, đặc biệt là các khu vực nội thành hoặc các khu vực có đông dân cư sinh sống. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý dẫn đến một số học sinh sống ở các vùng xa trung tâm có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển đến trường học do khoảng cách và điều kiện giao thông không thuận lợi.

Một nguyên nhân nữa là vấn đề xã hội và gia đình. Qua tìm hiểu tôi được biết, những trường hợp trên đều thiếu sự hỗ trợ từ gia đình. Một số gia đình có thể không đánh giá cao tầm quan trọng của giáo dục hoặc gặp khó khăn trong việc hỗ trợ việc học của con cái do các vấn đề cá nhân hoặc xã hội.

Nếu gia đình không thể ủng hộ, khuyến khích và hỗ trợ cần thiết, học sinh có thể cảm thấy thiếu động lực và quyết định bỏ học. Một số gia đình lại cho rằng con em của họ đã 14, 15 tuổi nên đủ khôn lớn và có thể tự đi làm để nuôi sống bản thân nên dẫn đến áp lực cho con em phải đi làm từ sớm để hỗ trợ gia đình, dẫn đến việc bỏ học giữa chừng.

Tất cả những nguyên nhân này đều xuất phát từ nền tảng gia đình luôn có bạo lực từ bố mẹ, người lớn dẫn đến tâm lý và sức khỏe của con em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Qua tìm hiểu tôi thấy hầu hết trẻ em sống trong môi trường gia đình không ổn định hoặc bị bạo lực có thể gặp khó khăn trong việc tập trung vào học tập. Những vấn đề sức khỏe tâm lý có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì việc học.

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng, việc con em không thể tiếp tục theo học hết chương trình lớp 12 không thể khép lại cánh cửa việc làm. Tuy nhiên, dù có biện luận thế nào đi nữa thì việc con em không theo học hết lớp 12 sẽ gây ra những hậu quả cho cá nhân và cho cả xã hội là điều người lớn, đặc biệt là những người có trách nhiệm phải nhìn nhận thấu đáo hơn.

Hậu quả lớn nhất đối với chính bản thân các em ở chỗ nếu trẻ em không hoàn thành lớp 12 thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định. Họ thường phải chấp nhận các công việc có mức lương thấp và ít cơ hội thăng tiến.

Thiếu bằng cấp và trình độ học vấn có thể khiến họ bị loại khỏi nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Việc không hoàn thành lớp 12 cũng đồng nghĩa với việc các em không có nền tảng để theo học các bậc học cao hơn, như đại học hoặc cao đẳng. Điều này giới hạn khả năng tiếp cận những nghề nghiệp đòi hỏi trình độ học vấn cao hơn. Thiếu giáo dục có thể ảnh hưởng đến sự tự tin và cảm giác tự hào về bản thân. Trẻ em không hoàn thành lớp 12 có thể cảm thấy không đạt được mục tiêu cá nhân, dẫn đến cảm giác thất bại và áp lực tâm lý.

Bởi vì, học tập không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp phát triển các kỹ năng quan trọng như tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề. Việc không hoàn thành lớp 12 có thể dẫn đến việc thiếu hụt những kỹ năng này, làm giảm khả năng thích ứng và thành công trong cuộc sống. Giáo dục phổ thông cung cấp nền tảng kiến thức cơ bản và kỹ năng cần thiết để sinh sống và làm việc hiệu quả trong xã hội hiện đại.

Thiếu giáo dục có thể dẫn đến việc thiếu hiểu biết về các vấn đề xã hội và cá nhân, gây khó khăn đưa ra quyết định sáng suốt. Và một điều quan trong khác đó là sẽ bị hạn chế trong việc theo đuổi sở thích và đam mê. Nhiều lĩnh vực và nghề nghiệp đòi hỏi kiến thức và kỹ năng cơ bản từ giáo dục phổ thông. Việc không hoàn thành lớp 12 có thể làm hạn chế cơ hội theo đuổi các sở thích và đam mê cá nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực yêu cầu trình độ học vấn cao.

Việc không hoàn thành lớp 12 có những hậu quả sâu rộng và nghiêm trọng không chỉ đối với cá nhân mà còn đối với xã hội. Để giảm thiểu những hậu quả này, cần có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả từ nhiều phía. Việc cải thiện hệ thống giáo dục, cung cấp hỗ trợ tài chính, khuyến khích học tập và xây dựng mạng lưới hỗ trợ sẽ giúp đảm bảo rằng mọi trẻ em đều có cơ hội hoàn thành bậc học phổ thông và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Trần Phú Dũng