Những trường hợp nào được phép chở người trên thùng xe bán tải?
(Dân trí) - Hình ảnh chiếc xe bán tải chở 3 em nhỏ ở thùng phía sau đang gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội không phải về việc đúng sai mà là sự an toàn.
Về luật, chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt, xe bán tải không được phép chở người trên thùng xe. Tuy nhiên, vẫn không ít người cho rằng nếu xe chỉ đi chậm thì có thể châm chước việc này.
Hình ảnh được ghi tại Nam Đàn, Nghệ An đang gây bất bình cho nhiều người vì sự nguy hiểm của việc chở trẻ nhỏ trên thùng xe bán tải (Video: OFFB).
Điều 21 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định chỉ được chở người trên xe ô tô chở hàng trong các trường hợp sau:
- Chở người đi làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai hoặc thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp; chở cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân đi làm nhiệm vụ; chở người bị nạn đi cấp cứu.
- Chở công nhân duy tu, bảo dưỡng đường bộ; chở người đi thực hành lái xe trên xe tập lái; chở người diễu hành theo đoàn.
- Giải tỏa người ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc trong trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu người điều khiển phương tiện cố tình chở người trên thùng xe bán tải sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu chở người trên thùng xe trái quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Bên cạnh vi phạm pháp luật, việc chở người trên thùng xe bán tải rất nguy hiểm, do thùng xe không được trang bị bất cứ thiết bị chuyên dụng gì để chở người. Trong trường hợp xảy ra va chạm, khi tài xế phanh gấp hoặc bị xe phía sau đâm vào, người ngồi hoặc đứng trong thùng xe bán tải có thể gặp nguy hiểm do va đập, thậm chí có thể bị ngã văng ra khỏi thùng xe.
Đăng thảo luận