Vừa là nhà thơ vừa là nhà báo nên không có gì lạ khi đọc Bay qua Hồ Gươm của tác giả Huỳnh Mai Liên, ta thấy cả những câu chuyện thời sự của Hà Nội. Trong đó có chuyện những ‘cụ cây’ bật gốc trong cơn bão số 3 (bão Yagi).
Tác giả Huỳnh Mai Liên (bên phải) chia sẻ về tập thơ - Ảnh: ĐẬU DUNG
Huỳnh Mai Liên vừa có buổi ra mắt tập thơ Bay qua Hồ Gươm vào ngày 4-10 ở Hà Nội.
Đây là tác phẩm mới nhất của chị sau Biển là trẻ con (tập thơ, 2016), Ngày xưa của con (tập thơ, 2018), Mẹ yêu ai nhất (truyện tranh, 2019), Nhà mình vui nhất (tập thơ, 2023).
Bay qua Hồ Gươm, bay qua Hà Nội
Huỳnh Mai Liên kể, dẫu không sinh ra ở Hà Nội nhưng chị có hơn 30 năm sinh sống, làm việc ở đây. Dấu mốc kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô như một lời mời gọi đầy thách thức, thúc giục chị viết một cái gì đó dành tặng Hà Nội.
Tập thơ Bay qua Hồ Gươm ra đời, gồm 54 bài thơ dành tặng cho các em nhỏ. Toàn bộ tranh minh họa trong sách do Mai Khuê - con gái chị thực hiện.
TIN LIÊN QUAN'Nhà mình vui nhất': Tập thơ thiếu nhi xinh xắn của hai mẹ con
'Mẹ yêu ai nhất?' - truyện tranh hiếm hoi của mẹ Việt ra mắt dịp 8-3
Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh có 17 năm xa Hà Nội. Khi trở về, mọi thứ thật khác và chị cảm thấy Hà Nội của chị không còn nữa.
"Nhưng khi đọc tập thơ của Huỳnh Mai Liên, tôi chợt nhận ra tất cả Hà Nội của tôi đều nằm trong đây hết", Thụy Anh nói tác giả đã mang những gì ấm áp nhất của Hà Nội trở lại. Đây là một bức "ký họa Hà Nội bằng thơ".
Nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng khi đọc Bay qua Hồ Gươm, bên cạnh những vần thơ trong vắt, chị thấy ở đó bóng dáng của một nhà báo.
Trong cơn bão số 3 vừa qua, rất nhiều "cụ cây" trăm tuổi đổ gãy, biến mất, để lại nhiều mất mát trong lòng người Hà Nội. Bằng thơ ca, Huỳnh Mai Liên đã lưu giữ một phần thiết thân, một phần di sản của mảnh đất này.
Trong bài Sau cơn bão, chị viết: "Mai cây mới được trồng/ Nhuộm lại xanh thành phố/ Người đi đường vẫn nhớ/ Từng gốc cây thân quen".
Tập thơ Bay qua Hồ Gươm do Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn học, Hội Nhà văn ấn hành - Ảnh: ĐẬU DUNG
Viết cho thiếu nhi không giả được
Tập thơ như những lời thủ thỉ của Huỳnh Mai Liên với con hàng ngày. Trong Bay qua Hồ Gươm có tấm lòng của một người mẹ.
Mỗi thế hệ có một Hà Nội của riêng mình. Tác giả không áp đặt Hà Nội cổ xưa, đầy phong vị cũ của thế hệ 7X trở về trước vào cảm nhận của con trẻ.
Bên cạnh Hà Nội cũ, có cả một Hà Nội đương đại, lộn xộn nhưng đầy thú vị, biết kết nối các thế hệ lại với nhau bằng tình yêu dành cho mảnh đất này.
TIN LIÊN QUANNhững bài hát thiếu nhi chứa chan ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ
Khi đọc tập thơ, các bạn nhỏ chợt nhận ra một Hà Nội gần gũi, đổi thay qua các mùa ở xung quanh.
Không chỉ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, Hà Nội của các em còn có mùa hoa, mùa mây, mùa lá, mùa sương.
Nhà thơ Thụy Anh chia sẻ viết thơ cho thiếu nhi không dễ. Nhiều nhà thơ rơi vào tình trạng ngô nghê khi viết cho các em.
"Phải đặt mình vào các em, nhìn bằng con mắt, tâm hồn các em thì mới hiểu được, mới viết đúng được. Và Huỳnh Mai Liên quan sát, lắng nghe, rồi trở thành đứa bé lúc nào không hay", Thụy Anh nói.
Thơ Huỳnh Mai Liên giữ được độ trong sáng, trong thơ có lòng nhân hậu. Chị hóa thân vào vạn vật quanh trẻ thơ để kể chân dung Hà Nội với nhiều góc nhìn. Đọc Bay qua Hồ Gươm bắt gặp những người lao động bình dị, những người kiếm sống vỉa hè, những nghệ nhân phố cổ…
Đăng thảo luận