Điều chuyển vốn sang dự án có khả năng thực hiện

Giải ngân vốn đầu tư công là công tác trọng điểm, luôn được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đôn đốc. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để thúc tiến độ đầu tư công. Trong đó, chính là việc kiên quyết điều chuyển số vốn không có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân cao, dự án đã quyết toán hoàn thành, đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn.

Nước rút giải ngân vốn đầu tư công cuối năm  第1张 Ảnh minh hoạ

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024, tổng số vốn là 8.446,866 tỷ đồng.

Trong đó bao gồm 7.313,5 tỷ đồng vốn trong nước điều chỉnh giảm của 20 bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung tương ứng cho 12 bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Đối với vốn nước ngoài thì điều chỉnh giảm 1.133,313 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của 3 bộ và 1 địa phương để điều chỉnh, bổ sung tương ứng cho Bộ Y tế cùng 13 địa phương.

Đây là số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhưng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ do dự án chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định và số vốn đã phân bổ chi tiết nhưng các bộ, cơ quan, địa phương không có nhu cầu sử dụng trong năm 2024 và đề xuất “trả lại vốn”. Số vốn điều chỉnh giảm được bổ sung cho cơ quan trung ương chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn năm 2024 đang có nhu cầu và có khả năng giải ngân ngay.

Hiện các địa phương đang chủ động rà soát, đánh giá giải ngân của từng dự án, điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao, đăng ký bổ sung kế hoạch vốn đối với các dự án có nhu cầu.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu... Đối với các dự án lớn, tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc.

Tại TP Hồ Chí Minh, số vốn 600 tỷ đồng từ dự án nút giao An Phú, sẽ được điều chuyển cho các dự án dở dang khác tại các quận, huyện có phương án giải ngân khả thi hơn. Điều tiết, điều chuyển vốn cũng là một trong những cách thức để chính quyền TP Hồ Chí Minh tháo gỡ tổng số 57 dự án đầu tư công gặp vướng mắc về thủ tục. TP cũng đã nỗ lực giải phóng mặt bằng trên 99% cho dự án trọng điểm quốc gia là đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp để cải thiện tỷ lệ giải ngân trong giai đoạn cuối năm.

Ngay sau khi thời tiết thuận lợi hơn, công tác tổ chức thi công đã được tăng cường trở lại. Nhiều mũi đã tăng thêm giờ làm việc để bù lại tiến độ. Ban Quản lý dự án đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 đang đặt mục tiêu về đích trước 2 tháng.

Đối với những dự án trọng điểm, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thi công liên tục 3 ca/ngày, đồng thời điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án chậm tiến độ sang dự án có tiến độ giải ngân tốt…

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, cắt giảm thủ tục

Chuyên gia từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, đầu tư công vẫn là những động lực tăng trưởng chính, đóng vai trò then chốt đối với sự phục hồi kinh tế trong năm 2024. Việc gia tăng đầu tư công sẽ góp phần kích cầu hơn nữa trong những tháng cuối năm 2024. Với tốc độ giải ngân như hiện nay, chuyên gia ADB cho rằng Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Quốc Việt cho rằng, để tiến đến gần nhất mục tiêu, trong quý IV/2024 cần phải quyết liệt, nhanh chóng triển khai và tháo gỡ những vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách quy định liên quan đến các thủ tục về đất đai, thủ tục hành chính, GPMB. Đặc biệt, các địa phương cũng cần có cơ chế tháo gỡ, điều phối chung; gỡ vướng những điểm nghẽn về nguồn vốn kết hợp, ODA.

Một số dự án trọng điểm được áp dụng cơ chế đặc thù tách GPMB ra khỏi dự án xây lắp. Đường vành đai 4 có tổng chiều dài gần 113km, đi qua Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên, mục tiêu hoàn thành trong năm 2027. Đến nay, TP Hà Nội đã GPMB được hơn 98%. Tiến độ được đẩy nhanh một phần nhờ áp dụng cơ chế thí điểm tách GPMB ra khỏi dự án xây lắp.

Trên công trường cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Bình Định sôi động tiếng máy thi công. Tại các vị trí mặt bằng được bàn giao, nhà thầu tăng cường các phương tiện, thiết bị thi công 3 ca, 4 kíp để kịp tiến độ. Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc điều hành dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn, thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam cho biết, dự án đã vượt tiến độ đề ra.

Việc tách riêng dự án GPMB với dự án xây lắp được cho là điểm mấu chốt để đẩy tiến độ cho các dự án giao thông trọng điểm. Bởi ngay sau khi được phê duyệt chủ trương, thì dự án GPMB sẽ có thể được triển khai ngay để có thể bàn giao mặt bằng sạch cho công tác thi công.

Theo Bộ KH&ĐT, đặc thù của nhiều năm nay là tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, nhưng xu hướng tăng nhanh ở những tháng cuối năm do các chủ đầu tư thường dồn khối lượng hoàn thành, đến cuối năm mới làm thủ tục giải ngân để giảm số lần phải làm thủ tục thanh toán. Chính quyền các địa phương cũng tiếp tục ứng dụng công nghệ vào quản trị dự án, cắt giảm thời gian thực hiện để đạt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giải ngân đầu tư công.

Vẫn còn khoảng 50% vốn đầu từ công cần giải ngân trong niên hạn năm 2024. Đây là một số vốn rất lớn, tuy nhiên đã có sự chuyển biến tích cực về tiến độ giải ngân đầu tư công trong 2 tháng vừa qua. Với các giải pháp đặt ra để thực hiện từ nay đến cuối năm, các địa phương đang kỳ vọng vào những tháng cuối năm sẽ cải thiện được tiến độ giải ngân để đạt kết quả cao nhất khi kết thúc năm ngân sách.