Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch tại Khu công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2030 do Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan phê duyệt hôm 6/9.

Theo Chiến lược, Khu công nghệ cao TP HCM được chính quyền thành phố định hướng đến năm 2030 trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, thành phố sẽ hình thành Trung tâm xuất sắc về vi mạch bán dẫn, cảm biến MEMS (vi cơ điện tử) và Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TP HCM. Hai đơn vị này hoạt động hiệu quả tạo ra nền tảng chung để khai thác và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc hình thành nên các sản phẩm thương mại có hàm lượng khoa học cao, góp phần phát huy thế mạnh "ba nhà" (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) với sự phát triển của TP HCM trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Thành phố hướng đến làm chủ được công nghệ từ thiết kế, chế tạo cảm biến môi trường bằng công nghệ MEMS, ứng dụng xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng không khí dựa trên nền tảng vạn vật kết nối và trí tuệ nhân tạo phục vụ cho công tác quản lý môi trường trong Khu Công nghệ cao TP HCM. Các đơn vị nghiên cứu tập trung thiết kế và chế tạo thành công loại linh kiện điện tử công suất như Mosfet hoặc Transistor ứng dụng trong lĩnh vực điều khiển công suất. Đây là cơ sở xây dựng được quy trình và các thông số chế tạo chuẩn làm cơ sở thiết kế và chế tạo các linh kiện vi mạch bán dẫn phức tạp sau này.

TP HCM ban hành chiến lược phát triển vi mạch đến 2030  第1张

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy (thứ 3 từ phải sang) cùng các đại biểu tham quan Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn tại Khu công nghệ cao TP HCM hồi tháng 2. Ảnh: SHTP

Hiện Khu công nghệ cao TP HCM đã thành lập Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn (ESC) thành lập hồi tháng 9/2023 hợp tác cùng doanh nghiệp để chuẩn bị cho việc đào tạo nhân lực. ESC đã tổ chức nhiều khóa đào tạo kỹ năng thiết kế vi mạch cho các sinh viên, giảng viên các trường đại học tại TP HCM và một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương... Trên cơ sở này, Khu công nghệ cao TP HCM sẽ mở rộng quy mô, chất lượng chương trình đào tạo lao động kỹ thuật cao lĩnh vực vi điện tử. Khoảng 120 giảng viên, nhà nghiên cứu sẽ tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu sẽ tập trung các quy trình chế tạo vi mạch bán dẫn.

Để hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (thuộc Khu Công nghệ cao TP HCM) được nâng cấp thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo. Trung tâm có vai trò thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế lõi vi mạch mềm và phát triển vi mạch Việt Nam. Vườn ươm dự kiến thu hút 60 dự án ươm tạo, tốt nghiệp cho 5 doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp điện tử - vi mạch trong nước. Các dự án ươm tạo tập trung vào vi mạch trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu thông minh, truyền thông bảo mật phục vụ cho chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.

Trong quá trình ươm tạo dự án, thành phố đặt mục tiêu phát triển ít nhất 60 sở hữu trí tuệ/lõi IP, định hướng xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam ra thế giới. Có ít nhất hai doanh nghiệp lĩnh vực thiết kế vi mạch và phát triển sản phẩm trên các vi mạch Việt có khả năng cạnh tranh với các công ty thiết kế nước ngoài.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế, trong đó Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) đặt tại Khu công nghệ cao TP HCM dự kiến hoạt động vào tháng 9 có vai trò là nền tảng kết nối các chuyên gia, tổ chức quốc tế và các tập đoàn kinh tế lớn triển khai các hoạt động thử nghiệm chính sách, thử nghiệm công nghệ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. C4IR cũng có vai trò hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại TP HCM tiếp cận, hấp thu hiệu quả công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của thế giới.

Hà An