Thủ tướng phê bình những địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thi hành Luật Đất đai đã hạn chế hiệu quả của việc triển khai thi hành luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng phê bình các địa phương chậm ban hành văn bản thi Luật Đất đai  第1张

Thủ tướng yêu cầu trước ngày 31-10 các địa phương phải ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai - Ảnh: T.L.

Ngày 22-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công điện yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương tăng cường tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai.

Địa phương nào bị gọi tên vì chậm thi hành Luật Đất đai?

Công điện của Thủ tướng gửi bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các nghị định.

Công điện nêu theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền. Trong đó tỉnh Hải Dương và tỉnh An Giang đã ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong luật.

TIN LIÊN QUAN
  • Thủ tướng phê bình các địa phương chậm ban hành văn bản thi Luật Đất đai  第2张

    Thi hành Luật Đất đai 2024: Sẽ miễn, giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất khi tăng giá đất

  • Thủ tướng phê bình các địa phương chậm ban hành văn bản thi Luật Đất đai  第3张

    Thủ tướng phê bình 13 địa phương chưa ban hành văn bản nào thi hành Luật Đất đai

  • Thủ tướng phê bình các địa phương chậm ban hành văn bản thi Luật Đất đai  第4张

    Một số địa phương chưa ban hành văn bản nào triển khai thực hiện Luật Đất đai

Nhiều tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật như: Thành phố Đà Nẵng, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu...

"Tuy nhiên còn một số tỉnh, thành phố tiến độ ban hành văn bản còn rất chậm", theo công điện của Thủ tướng.

Các địa phương bị điểm tên chậm ban hành văn bản thi hành Luật Đất đai gồm: Thành phố Hải Phòng và các tỉnh Lạng Sơn, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bến Tre, Sóc Trăng. Những địa phương này mới ban hành từ 2-5 trên tổng số 20 nội dung được giao trong luật.

"Việc các địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã hạn chế hiệu quả của việc triển khai thi hành luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính, hiệu lực hiệu quả trong thực hiện các chính sách mới của Luật Đất đai", công điện của Thủ tướng nhấn mạnh.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm 

Theo công điện, người đứng đầu Chính phủ phê bình nghiêm khắc chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng và các tỉnh Lạng Sơn, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bến Tre, Sóc Trăng chậm trễ trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Đồng thời Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Yêu cầu chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai, trong đó phải tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong luật và các nghị định.

"Việc ban hành văn bản quy định chi tiết được giao tại Luật Đất đai và các nghị định phải hoàn thành trước ngày 31-10-2024, báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng nếu để chậm trễ ban hành các văn bản", công điện nêu.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.

Giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm, hiệu quả công điện.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương trong việc thực hiện công điện, kịp thời báo cáo Thủ tướng và phó thủ tướng phụ trách những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.